(TBKTSG) - LTS: Trong bài viết dưới đây, tác giả chia sẻ đến bạn đọc cách thức quản lý suy nghĩ, cảm xúc nhằm đạt đến sự bình an, giữ gìn sức khỏe trong chuỗi công việc kinh doanh bề bộn mỗi ngày.
Mỗi ngày như mọi ngày, ta bon bon chạy xe êm ru trên đường đi làm. Cái gì đã giúp cho chuyến đi an toàn, thoải mái? Chính là bộ phận giảm xóc đã làm giảm nhẹ lực tác động giúp ta không cảm thấy đau hay khó chịu vì những cú dằn xóc trên đường.
Tương tự, trên chuyến hành trình cuộc đời, ta cần trang bị cho mình “bộ phận giảm xóc” để làm nhẹ những cú va chạm trong những tình huống khó khăn mà ta phải đối mặt. Đó là 8 sức mạnh nội tâm, bao gồm: sức mạnh đóng gói, sức mạnh rút lui, sức mạnh điều chỉnh, sức mạnh khoan dung, sức mạnh phân biệt, sức mạnh đánh giá, sức mạnh hợp tác và sức mạnh đối mặt. Cả 8 sức mạnh này đều có sẵn trong ta nhưng nếu được củng cố và khơi trào, chúng sẽ là “thiết bị giảm xóc” tuyệt vời, để rồi dù cho ai đó - ở nơi làm việc hay trong gia đình - có đang gây khó dễ cho ta, hoặc ta có bị bủa vây bởi nhiều tình huống cấp bách, ta cũng thấy bị tác động rất ít và có thể ứng phó hiệu quả mà không bị căng thẳng.
Dấu hiệu ở người có đầy đủ 8 sức mạnh
Có sự khác biệt nào giữa hai câu hỏi dưới đây:
a. Chuyện gì đang xảy ra quanh tôi và tôi cảm thấy thế nào về những điều ấy?
b. Tôi muốn cảm thấy thế nào trong ngày hôm nay và chuyện gì đang diễn ra quanh tôi?
Ở câu a, tôi bị kiểm soát bởi tình huống và tình huống tạo nên cảm xúc cũng như trạng thái tâm trí tôi. Vì vậy, một ngày của tôi tốt đẹp hay tệ hại hoàn toàn do tình huống quyết định. Nghĩa là nếu tôi gặp nhiều thử thách trong một khoảng thời gian nhất định, nó sẽ để lại tác động hết sức tiêu cực cho tôi. Đó là lý do khiến hiện tượng “cháy sạch(**)” ngày càng trở nên phổ biến. Như vậy, trong mối quan hệ giữa tôi và tình huống, tôi là nô lệ, tình huống trở thành ông chủ bởi nó đang kiểm soát cảm xúc của tôi!
Còn ở câu b, tôi đang tạo nên trạng thái tâm trí (trạng thái nội tâm) của mình và chủ động ứng phó với tình huống. Tôi làm chủ cảm xúc của mình và biết cách ứng phó hiệu quả với con người, với tình huống. Đây chính là định nghĩa về “người phát triển đầy đủ 8 sức mạnh nội tâm”.
Nhiều người trong giới doanh nhân thường chia sẻ cứ mỗi ngày trôi qua, họ càng gặp nhiều thách thức hơn, không chỉ trong công việc mà cả trong cuộc sống. Và không chỉ doanh nhân, nhiều người khác cũng đồng ý rằng mỗi năm qua đi, thách thức mỗi lúc một khốc liệt hơn.
Cần hoàn thiện 8 sức mạnh nội tâm
Nhiều người trong giới doanh nhân thường chia sẻ cứ mỗi ngày trôi qua, họ càng gặp nhiều thách thức hơn, không chỉ trong công việc mà cả trong cuộc sống. Và không chỉ doanh nhân, nhiều người khác cũng đồng ý rằng mỗi năm qua đi, thách thức mỗi lúc một khốc liệt hơn. Vậy nếu thách thức cứ gia tăng mà “tôi” lại không đủ mạnh mẽ thì về lâu dài, tôi có thể bị suy kiệt cả về thể chất, tinh thần lẫn cảm xúc.
Các nhà khoa học nghiên cứu về thần kinh cho biết xét trong ngắn hạn, khi não bộ “nếm trải” những cảm xúc như giận dữ, sợ hãi hay căng thẳng, các chất dẫn truyền thần kinh - “tải” thông tin từ tiềm thức đến tâm trí - sẽ bị ách tắc, nghĩa là thông tin không được lưu chuyển thông suốt. Ví dụ minh họa điển hình cho tình trạng này là một trải nghiệm mà nhiều người từng gặp phải, đó là lần đầu nói chuyện trước đám đông! Dù đã chuẩn bị trước đó hàng giờ, thậm chí học thuộc làu làu cả bài nói chuyện, nhưng khi đứng trước khán giả, tay chân vẫn run lẩy bẩy và không thể nhớ nổi một từ!
Vào thời điểm khủng hoảng kinh tế, nhiều người trong giới đầu tư chứng khoán bị stress nặng đến nỗi trí nhớ - nơi lưu giữ những kỹ năng đã học hỏi, tích lũy được và cách phản ứng thích hợp - hoàn toàn bị tắc nghẽn. Thế là biết bao tiền của, công sức học tập hóa thành công cốc.
Như vậy, làm sao có thể nói ta không có thời gian để “đầu tư” cho 8 sức mạnh? Nhà kinh doanh với cái nhìn sắc sảo sẽ đánh giá, phân tích và nhận ra “lợi nhuận” ròng của việc đầu tư vào 8 sức mạnh trong cả nghề nghiệp chuyên môn cũng như cho cuộc sống cá nhân.
>> Đọc bài Xông Đất Tâm Hồn <<
(*) Cố vấn chương trình Innerspace Việt Nam
(**)Hội chứng “cháy sạch” - tạm dịch từ từ burnout - là cháy sạch năng lượng dự trữ, khiến cho cơ thể bỗng nhiên trở nên mệt mỏi dù chưa làm việc bao nhiêu; chợt trở nên chán chường mà không rõ lý do, thậm chí không thể tập trung tư tưởng, giống như là người mất hồn.
Bắt đầu từ “sức mạnh đóng gói”
Vào một ngày nào đó cách đây không lâu, bạn đã đưa ra được khá nhiều quyết định hiệu quả cũng như nhiều phản ứng tích cực trong các mối quan hệ, nhưng tới cuối ngày thì mắc phải một sai lầm. Bạn đã nghĩ đến sai lầm đó suốt. Nó có thể khiến bạn phát cáu, sinh ra nóng nảy và thiếu kiên nhẫn với những tình huống cuộc sống xảy ra sau đó, bị dằn vặt, mất ngủ... Với “sức mạnh đóng gói”, bạn có thể chấp nhận sai lầm của mình, học hỏi từ đó và tiếp tục tiến bước.
Nghiên cứu về trí não cho thấy trung bình 80% suy nghĩ của chúng ta thường là về quá khứ, điều này làm giảm năng lực trong hiện tại! Sức mạnh đóng gói giúp ta khắc phục thói quen “nhớ những điều nên quên và quên những điều nên nhớ” và hướng tâm trí về hiện tại. Với sự kiên nhẫn, việc thực hành tập trung vào hiện tại sẽ sớm trở thành thói quen, sẽ tự động diễn ra mà không đòi hỏi ta phải gắng sức.
Vì vậy, trước khi rời khỏi nơi làm việc, hãy dành 5 phút tĩnh lặng ngẫm lại một ngày đã qua, nhận ra bài học, trân trọng những gì đã diễn ra tốt đẹp, gác lại những suy nghĩ về công việc... để điềm tĩnh và tập trung hơn trong vai trò đối với gia đình.
Khía cạnh cuối cùng không kém phần quan trọng của sức mạnh đóng gói là khả năng dọn sạch ký ức và buông bỏ những oán giận, hờn trách - những điều liên tục lôi kéo ta về quá khứ và ta sẽ khó mà hạnh phúc khi cứ ôm giữ chúng. Và buông bỏ oán giận cũng mới chỉ là một bước. Sau khi buông bỏ, hãy nghĩ sẽ tương giao với “người kia” như thế nào, xác định nên duy trì mối quan hệ với họ theo hướng nào.
Thật ra, chính những con người, những sự kiện gây nhiều khó khăn cho ta nhất đã trao cho ta cơ hội tốt nhất để thực hành các sức mạnh.
0 bình luận :
Đăng nhận xét