Nơi để tâm hồn cất lên tiếng hát…
(Kì 1)
Giữa Sài Gòn ồn ào, đông nghịt người và ngộp thở những toà nhà cao tầng
hình hộp, bạn có bao giờ thèm đến một nơi xanh mát, tĩnh lặng, tĩnh lặng đến
mức có thể nghe được tiếng nói rất khẽ của chính tâm hồn mình? Giữa một cuộc
sống bộn bề lo toan, nhiều tổn thương và cạn kiệt niềm tin, bạn có bao giờ khao
khát một nơi để xoa dịu những nỗi niềm để từng giây bạn sống trên đời trở nên ý
nghĩa và hữu ích? Có một địa chỉ dành cho bạn. Đó chính là trung tâm Innerspace
– Làm giàu thế giới nội tâm.
Ấn tượng đầu tiên
Lần đầu tiên đến với trung tâm,
nhìn tấm bảng hiệu phía bên ngoài, ngay lập tức tôi tự nói với mình: “Sao nơi
này này khiêm nhường đến thế?”. Ngày nay, nhiều người trong chúng ta dễ dàng trông
thấy những bảng hiệu chữ nổi và khổ lớn, chớp đèn đủ màu để gây chú ý. Những bảng
hiệu ấy có thể xuất hiện ở các quán ăn, quán cà phê, cửa hàng thời trang… mời mọc.
Còn bảng hiệu của trung tâm, một tổ chức có mối liên hệ sâu sắc với quốc tế, có
mắt tại Việt Nam 15 năm qua, thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa cho các trường
học, trên truyền hình, lại nằm rất khiêm tốn trên bức tường trắng, dưới một
giàn hoa giấy…
Phía sau cánh cổng trắng…
Nhiều học viên đến với trung tâm đều trải nghiệm một cảm
giác đặc biệt khi vừa bước qua cánh cổng trắng dẫn vào trung tâm. Đó là một cảm
giác nhẹ nhàng, bình an, hoàn toàn đối lập với thế giới bên ngoài.
Ở vách tường bên hông
phòng tiếp tân, hay những góc khuất trong vườn, có các tấm gạch đính lên tường,
lặng lẽ trao bao thông điệp sâu lắng cho những bước chân vô tình dừng lại. Chẳng
hạn như: Những hành động tốt của chính bạn sẽ bảo hiểm cho bạn để bạn an toàn
trước mọi trở ngại; nếu có ai đó liên tục gây ra những tổn thương, hãy có lòng
nhân từ cho họ nhưng đừng nhận tổn thương từ họ; những suy nghĩ tốt đẹp của bạn
có thể chạm đến người khác dù người ấy ở rất xa…
Giữa khu vườn là một hồ nước, nơi bạn có thể dừng lại, nghỉ
chân bên những chiếc ghế tựa lưng màu trắng hoặc những chiếc ghế mộc mạc làm từ
thân cây dừa. Bạn có thể ngắm cá lội tung tăng, hoa súng hoa sen bung nở, lắng
nghe tiếng nước chảy róc rách và chiêm nghiệm về hạnh phúc theo những gợi ý
quanh hồ.
Phía bên phải vườn là một nhà chòi, nơi bạn có thể khám phá
8 sức mạnh nội tâm với những chú thích và gợi ý cụ thể: sức mạnh rút lui, đóng
gói, khoan dung, phân định, quyết định, điều chỉnh, hợp tác và đối mặt.
Vào buổi tối, khu vườn được dát lên ánh sáng màu xanh ngọc khiến
khung cảnh càng trở nên lung linh, dễ đưa bạn về với trạng thái cân bằng, an
hoà.
Trước cánh cửa phòng tiếp tân là trò chơi “Bánh xe đức hạnh”.
Bạn sẽ tìm ra phẩm chất nào đặc biệt bên trong mình và được truyền cảm hứng để
thể hiện nó. Bước vào phòng tiếp tân, bạn sẽ thấy những bức tranh xanh biếc kèm
theo những lời lẽ tuyệt đẹp như những chiếc chìa đặc biệt giúp bạn mở khoá các
tình huống trái ngang. Và sách!
Có lẽ không cần phải nói nhiều, không ít người trong chúng
ta đều biết sự quý giá của sách. Có thể kể ra những tựa sách quý ở đây như Từ
nội tâm hướng ra bên ngoài của Dadi Janki, một quyển sách giản dị và
trong sáng đến mức tôi cảm thấy tâm hồn mình có thể đẹp hơn một chút trong suốt
thời gian đọc sách. Đó là chưa kể Tư duy tích cực (Trish Summer Field
– Anthony), 7 Aha – Khai sáng tâm hồn và giải toả stress (Mike Geogre),
sách lịch Dám thay đổi,…
Bên cạnh đó, bạn có thể chọn cho mình những tấm card với những
lời nhắn như các bí quyết để bạn tìm hiểu sức mạnh bản thân, giải quyết tình huống…
Những tấm card này là món quà dành tặng tất cả những ai đến trung tâm. Đối với
riêng mình, lần đầu tiên khi nhận được một bộ card do một chị bạn tặng, tôi đã
tự lên mạng tìm hiểu về trung tâm. Bởi những ngôn từ trong bộ card ấy nâng đỡ
tâm hồn tôi, chạm đến những nơi sâu kín trong lòng tôi dù lúc ấy, tôi chưa hiểu
gì về thế giới nội tâm của chính mình.
Sát bên phòng tiếp tân là phòng thư giãn, nơi để bạn hoàn
toàn chìm đắm vào thế giới nội tâm. Trong phòng chỉ có bức tranh mặt trời mọc
lên từ biển để bạn dễ tập trung. Tiếp tân sẽ bật nhạc hoặc đĩa tư duy tích cực để
khơi gợi những suy nghĩ cần thiết, tích cực trong bạn. Không ít người bật khóc
trong gian phòng này cho những nỗi niềm mang nặng từ lâu. Nhưng khi bước ra khỏi
gian phòng cũng là khi bạn có thể để những vấn đề ở lại và những bước chân bạn
có thể nhẹ nhàng hơn, từ đây…
Kế tiếp là phòng học nhỏ. Trước cửa phòng là những tranh vẽ
kèm chú thích. Chẳng hạn như 10 công cụ vượt qua thách thức. Đây
là sản phẩm được làm nên khi xã hội hoang man về tin tức thế giới bị huỷ diệt
vào năm 2000. Cho đến bây giờ, bộ tranh vẽ kèm những gợi ý ngắn gọn này vẫn vô
cùng có ích. Bên cạnh đó, bạn sẽ nhìn thấy những sơ đồ, ảnh chụp về bảo vệ môi
trường, tuy ngắn gọn nhưng có những thông tin rất giá trị cho những ai quan tâm
đến môi trường như ăn thức ăn có nguồn gốc từ thực vật, sử dụng nước mưa, năng
lượng mặt trời....
Trong phòng, bạn sẽ có nhiều suy tư khi chiêm nghiệm trước
hai sơ đồ tư duy về sự hướng nội và hướng ngoại hay vòng tròn về câu chuyện của
chúng ta.
Bước lên cầu thang, bạn sẽ thấy mở ra trước mắt mình là một
không gian khá rộng, nơi diễn ra những buổi hội thảo chuyên đề của các tình
nguyện viên quốc tế, hay những chuyên đề cộng đồng do tình nguyện viên trong nước
thực hiện. Gian phòng có thể chứa khoảng 100 người. Ở góc cuối phòng, bạn tha hồ
khám phá 24 tấm card giá trị và 8 sức mạnh nội tâm.
Bạn Tường Vy (Phóng viên báo Khăn Quàng Đỏ) chia sẻ: “Lần đầu
tiên đến đây, mình rất ấn tượng với hai màu xanh và trắng. Màu xanh của cây cối
trong vườn và màu trắng của tường, bàn ghế, màn. Tất cả đều rất dịu mát, đem đến
cảm giác nhẹ nhàng cho mình”.
Vợ chồng hoạ sĩ Đức Lâm – nhà báo Thiên Nga thì rất thích
khu vườn với thật nhiều loại hoa, chiếc xích đu, hồ nước… Đặc biệt, nhà báo
Thiên Nga rất yêu những tấm card và các quyển sách. Chị thường mua nhiều sách
và các hộp card để tặng bạn bè.
Dịu dàng âm thanh
Đến với trung tâm, bạn sẽ chìm đắm trong tiếng nhạc không lời
ngọt ngào, du dương. Âm nhạc vốn được công nhận rằng rất tốt cho trí não, tâm hồn
con người. Âm nhạc dịu dàng trong không gian thoáng đãng lại càng phát huy tác
dụng.
Thú vị hơn, bạn có thể nghe được tiếng chim hót trong veo,
hay dàn hợp xướng của ếch nhái. Năm 2013, nhóm phóng viên đài truyền hình đến
ghi hình về trung tâm trong một buổi chiều mưa đã vô cùng thích thú khi thấy cả
chục chú ếch vừa nhảy múa vừa hát trong mưa.
Những món ăn và thức uống đặc biệt
Bạn Trần Thanh Truyền (Phóng viên báo Mực Tím) vẫn nhắc mãi
về những lá trà chiên giòn mà bạn được nếm thử trong một lần được mời dự tiệc ở
trung tâm. Chị Lưu Mỹ Nhiên (Kỹ sư hoá học) thì vui vẻ nói: “Món ăn ở trung tâm
ngon một cách đặc biệt. Dù chỉ là thức ăn chế biến từ rau củ quả nhưng vẫn rất
lạ, đẹp mắt. Ăn vào thấy tràn đầy năng lượng và nhẹ nhàng cả người”.
Có nhiều món nước ở trung tâm cũng để lại ấn tượng. Chẳng hạn
một anh học viên đã “ồ” lên khi thưởng thức món trà chanh Ấn Độ do tình nguyện
viên Thanh Tùng pha chế. Chị Đỗ Mỹ Nghi (Q.3) thì tấm tắc trước trà cỏ ngọt nấu
chung với sả vừa giản dị vừa độc đáo.
Nơi để tâm hồn cất lên tiếng hát…
(Kì 2)
Câu chuyện của tình nguyện viên
Đến với trung tâm, ngỡ ngàng và thích thú với từng góc vườn,
từng tấm card… hẳn bạn sẽ có câu hỏi: Ai là người bỏ ra tiền bạc, thời gian,
công sức để làm nên những điều đáng yêu này? Đó chính là các tình nguyện viên!
|
cô Trish Summerfield |
15 năm qua, cô Trish Summerfield đã vui vẻ sống ở một đất nước
xa lạ, không người thân để thực hiện các chương trình, soạn ra từng tấm card, đào
tạo tình nguyện viên. Cô đã bắt đầu chỉ có một mình. Để rồi bây giờ, trung tâm
có cả một đội ngũ tình nguyện viên đủ mọi lứa tuổi.
|
cô Kim Hưng |
Như mọi nơi khác, trung tâm cũng có những chức vụ. Nhưng tất
cả đều tự xem mình là tình nguyện viên. Vì vậy, bạn sẽ thấy chị Phạm Thị
Sen có thể vào bếp nấu ăn, dạy học, hay tiếp chuyện khách đến thăm. Bạn sẽ thấy
cô Kim Hưng, từng là giảng viên đại học, với mái tóc bạc phơ, vẫn sẵn sàng xắn
tay áo làm vườn…
|
Chị Phạm Thị Sen đang hướng dẫn lớp học |
Anh Nguyễn Văn Thịnh (Nhân viên kinh doanh, vận động viên
khuyết tật cấp quốc gia, từng đem về cho đất nước nhiều huy chương Vàng Sea
Games) tâm sự với tư cách tình nguyện viên: “Mình rất tự hào khi được đóng góp
công sức cho một chương trình ý nghĩa như Innerspace và Giá trị sống. Vì vậy,
trong mỗi hành động, mình luôn chú ý để bồi đắp thêm hình ảnh đẹp về trung tâm
trong lòng mọi người đến đây”.
|
"Tớ là Tiếp tân nè!" |
Chị Trần Thị Trà Giang (Giáo viên), cũng là tình nguyện viên
của trung tâm, chia sẻ: “Khi làm tiếp tân, tôi gác lại toàn bộ công việc của
mình để chỉ tập trung cho công việc của trung tâm và luôn tự nhắc mình có suy
nghĩ tích cực để đóng góp vào bầu không khí ở đây”.
Cá nhân tôi cũng có nhiều tình thương mến dành cho những
tình nguyện viên, ngay từ lúc tôi còn chưa biết tên những tình nguyện viên ấy. Đó
là tình cảm dành cho cung cách rất hiền hậu, gần gũi, như một người ruột thịt của
chị Phan Thu Hương. Có những buổi học tối, nhìn tình nguyện viên Nguyễn Thị Ngọc
Linh (Giáo viên) ở lại lau dọn phòng sau khi học viên ra về, tôi vẫn thầm xúc động
và cảm phục…
Không chỉ riêng tôi, một học viên lớn tuổi từng bước đến kéo
TNV Võ Thị Ý Nhi (Sinh viên) vào lòng và bảo: “Sao chăm chỉ thế, lúc nào cô cũng
thấy con làm việc…”
Một lần, trong lúc giặt màn gối cho trung tâm, bạn Tạ Quang
Thắng (Sinh viên) nói: “Ở nhà, em chưa bao giờ làm những việc này. Nhưng vào
trung tâm, thấy việc gì cần mình, em đều cố gắng làm”.
Những bông hoa ở khoảnh sân trước là do ba bà mẹ, ba học
viên lâu năm của trung tâm trồng trọt. Dù bận bịu với gia đình, nhưng những TNV
đặc biệt này vẫn không ngại mất thời gian, không ngại khiêng những bao phân bón
để chăm sóc cho khu vườn thêm đẹp.
|
Người làm vườn thầm lặng... |
Cô Thanh Bình tâm sự: “Cô thật sự xúc động khi mình ở tuổi đã
về hưu mà trung tâm vẫn chọn cô làm tiếp tân, khiến cô cảm thấy mình được đóng
góp, mình làm được những điều có ích. Tuổi tác cao, sức khoẻ yếu, nhưng cô luôn
tự nhắc nhở mình phải có trách nhiệm với những việc mình đã nhận. Có lần cô phụ
bếp, rất mệt mà không dám nói ra, cô Kim Hưng đến nói nhỏ với cô rằng: “Nếu bạn
mệt thì bạn cần đi nghỉ ngay, sức khoẻ luôn là điều quan trọng”.
Không chỉ hết mình trong phục vụ và giữ thái độ hoà nhã với khách
cùng học viên, các tình nguyện viên còn dành cho nhau sự chăm sóc và tình cảm đáng
quý như thế đó!
"Vì chúng ta là gia đình mà..."
Trung thực mà nói, ngày đầu đến đây, tôi hơi e dè vì vài
tình nguyện viên khó tính. Sau hai năm gắn bó, tôi nhận ra sự thay đổi tuyệt vời
của chính các tình nguyện viên ấy. Điều vĩ đại nhất trên đời là thay đổi bản
thân. Và các tình nguyện viên ấy truyền cho tôi cảm hứng cùng niềm tin thay đổi
chính mình!
Tiếc là tôi không đủ khả năng và cũng không đủ vốn từ để có
thể nói hết với bạn về sự tuyệt vời của kiến thức nơi đây.
Kiến thức của trung tâm đã và đang được áp dụng ở hơn 80 quốc
gia trên thế giới, được sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc. Nhưng trên hết, giá trị của
kiến thức được cảm nhận một cách chân thật qua chính các học viên.
Có lần, chị Thiên Nga đã nhắn tin cho tôi rằng: “Em ơi, kiến
thức của trung tâm hay quá. Chị học được hai lớp của cô Trish và cô Sen. Chị sẽ
đưa chồng con mình đến học”.
Anh Vũ Bá Chung (ở Đồng Nai) chia sẻ rằng kiến thức của
trung tâm giúp anh vượt qua giai đoạn bị trầm cảm nặng. Anh vẫn đang tiếp tục học
các lớp ở trung tâm và luôn nhắc mình có quyền tự chọn lựa cảm xúc của mình trước
mọi tình huống.
Trần Thị Tuyết Mai (Sinh viên) thì tâm đắc: “Trước khi đến
trung tâm em nóng tính dữ lắm và luôn muốn người khác làm theo ý mình. Bây giờ
em hiểu ra và tự điều chỉnh mình. Gia đình, bạn bè, các mối quan hệ của em cũng
trở nên dễ dàng hơn”.
Khi đến với trung tâm, tôi ở trong tình trạng suy nhược cơ
thể vì tổn thương trong lòng. Kiến thức của trung tâm giúp tôi vượt qua đỉnh điểm
của cơn bão lòng. Tôi nhận ra mình đã quá nhạy cảm, và tự làm mình tổn thương bấy
lâu nay.
Tôi từng đi học kỹ năng, đi spa, đi mua sắm… để thay đổi
chính mình, mong muốn mình có một cuộc đời tốt đẹp hơn. Nhưng những nỗ lực của
tôi chỉ chạm đến cái bên ngoài. Trung tâm giúp tôi nhận ra thay đổi chính mình
bắt đầu từ việc kiểm tra và chuyển hoá suy nghĩ. Cũng chính từ đây, tôi học cách
yêu thương người khác một cách thật sự…
Bên cạnh việc trao kiến thức, trung tâm có những gợi ý thực
hành, kiểm tra mức độ thay đổi của bản thân. Các giáo viên, tức các tình nguyện
viên, luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm thực tế để mong học viên thật sự vượt
qua trở ngại, phát huy sức mạnh nội tâm của bản thân.
Đó chính là những điều mà không một nơi nào có được!
Lời tri ân dành cho các học viên
Có lần, trời mưa tầm tã ngay trước giờ bắt đầu lớp học buổi
tối. Hai bạn học viên Bùi Quốc Hiếu và Nguyễn Thị Minh Chính (cùng là sinh
viên) đến trung tâm khi đã ướt sũng. Lên lớp, hai bạn ngồi dưới sàn dù trời lạnh
mà không ngồi trên ghế. Hai bạn nói rằng: “Em không muốn làm ướt nệm của trung
tâm”.
Bạn Lưu Nguyễn Thị Hợp (Kế toán, nhà ở quận 2) cũng thường tìm
đến trung tâm để mua sách, mua card tặng bạn bè, tặng cả những người nước ngoài
đến Việt Nam
những quyển sách song ngữ. Đối với bạn, sản phẩm từ trung tâm cũng như những “đặc
sản” không thể bỏ qua của Việt Nam.
Hợp nói: “Tuy không đến trung tâm thường xuyên, nhưng Hợp vẫn rất quý kiến thức
mình được học ở trung tâm và vẫn thực hành. Nhờ làm theo những gì được dạy
trong các khoá học mà Hợp có được sự kiên trì để hoàn tất chương trình cao học,
giữ được bình tĩnh và quyết tâm để lấy được bằng lái xe ô tô. Hễ có dịp, Hợp đều
giới thiệu với người khác về trung tâm vừa để người ấy nhận được ích lợi vừa để
một nơi đáng quý như trung tâm được biết đến nhiều hơn, có thêm nhiều đóng góp
cả về thời gian, công sức lẫn tài chính”…
Cứ thế, những học viên, dù chỉ tham gia vài khoá học, vẫn hỗ
trợ trung tâm, bằng cách này hay cách khác. Và chính các học viên ấy cũng góp
phần làm nên vẻ đẹp của trung tâm.
Có câu nói rằng “Ngôn bất tận tâm”, lời nói không sao diễn tả hết được
tấm lòng. Tôi đã trải lòng mình về trung tâm. Nhưng cảm thấy vẫn còn chưa đủ.
Và có lẽ sẽ không bao giờ nói đủ. Bởi có những điều sâu thẳm người ta chỉ có
thể cảm nhận bằng trái tim mà không thể thốt nên lời…
Phương Trinh
Phóng viên Báo Mực Tím
0 bình luận :
Đăng nhận xét