Buổi giao lưu âm nhạc với Raymond Fulgar (ngày 06/09) thật sự xứng đáng cho những ai vượt cơn mưa và sự nghẽn đường để đến với trung tâm bởi bạn được lắng nghe và tận mắt chứng kiến cây đàn Sita huyền thoại với quá trình chế tác có một không hai.
Chiều thứ bảy 06/09, trời mưa tầm tã. Chỗ ngã tư Hàng Xanh, con đường chủ yếu dẫn đến trung tâm Innerspace, xe cộ kẹt cứng. Khoảng 5 chiếc xe buýt… vắt ngang dọc con đường, bít hết lối đi khiến lực lượng điều phối giao thông phải làm việc vô cùng vất vả và yêu cầu mọi người tìm hướng khác mà đi. Thế nhưng tôi hoàn toàn cảm thấy mãn nguyện bởi buổi giao lưu âm nhạc với Raymond Fulgar thật sự xứng đáng cho những ai vượt cơn mưa và sự nghẽn đường để đến với trung tâm.
Để được dạy cách chơi Sita, Raymond phải đáp ứng những quy định. Anh phải đến trình thầy, được thầy chấp nhận về khả năng chơi đàn và nhân cách. Sau đó, anh phải thề chơi Sita suốt đời. Nếu bỏ chơi thì đó là hành động phạm luật. Trong một năm học Sita, Raymond phải cách ly hoàn toàn với các nhạc cụ khác. Raymond là người thứ hai tại Philipin và là người duy nhất ở Trung Quốc biết chơi đàn Sita.
Đó là chưa kể cây đàn Sita được làm hết sức công phu và gần như “tuyệt chủng” trên thế giới. Vì vậy thật quý giá khi cây đàn hiếm hoi ấy xuất hiện ngay tại Sài Gòn. Gỗ của đàn Sita phải là loại gỗ chỉ có ở Ấn Độ và được 20 năm tuổi, sau đó phơi khô trong 20 năm nữa. Có một điều bất ngờ thú vị là một bộ phận của cây đàn làm từ quả bí đỏ phơi khô. Làm đàn Sita là một nghề gia truyền, không truyền ra bên ngoài, chỉ cha truyền cho con trai. Khi nhận làm một cây đàn Sita, người làm đàn không nhận làm bất kì một nhạc cụ nào khác.
Âm nhạc phương Tây dựa vào những nốt nhạc chính: Đồ, rê, mi, pha, sol, la, si, đô và các âm thanh tách rời nhau. Nhưng nốt trong âm nhạc Ấn Độ lại gần như một âm tròn. Và đây là điều đặc biệt để người nghe khám phá, trải nghiệm vẻ đẹp muôn màu của âm nhạc thế giới.
Đàn Sita cũng chỉ chơi ở những không khí trang trọng, chứ không chơi ở các buổi tiệc ồn ào, hay các quán bar... Sita có khi từ tốn, dịu dàng, có khi réo rắt, mạnh mẽ nhưng lúc nào cũng trong trẻo. Tiếng đàn Sita cất lên để đưa con người vào thế giới nội tâm, cảm nhận những giá trị tinh thần thiêng liêng… Anh Vũ Bá Chung (Đồng Nai) chia sẻ rằng tiếng đàn khiến anh cảm nhận bình an, ấm áp dù trời Sài Gòn vừa trải qua trận mưa lớn.
Raymond nói mọi vật thể đều là một nốt nhạc và có âm thanh khác nhau. Cái ghế, cài sàn… đều phát ra âm thanh. Cả cơ thể con người cũng là âm thanh. Tôi ngẫm nghĩ: Nếu mỗi người chúng ta là một cung đàn thì giao tiếp giữa chúng ta giống như một khúc hoà tấu; khi đó cuộc đời tựa một bản nhạc vĩ đại.
Phía sau tiếng đàn Sita, phía sau âm nhạc là sự nối kết với nội tâm, là sự tĩnh lặng của tâm hồn để mỗi người chúng ta tìm về bản thể đích thực.
Xem thông tin chi tiết ở:
http://www.innerspace.vn/2014/09/hanh-trinh-tiep-theo-cua-cay-sitar.html#more
0 bình luận :
Đăng nhận xét