Một buổi chiều bất ngờ khi hai mẹ con cùng tham gia cà phê Giá trị sống, khi mỗi người tự tìm ra những giải pháp yêu thương để hoá giải tình huống của mình...
Bài hát Cả nhà thương nhau
Ở hoạt động tiếp theo, các nhóm lập sơ đồ tâm trí (mind map) về việc tạo môi trường chấp nhận, có nhóm bàn về môi trường chấp nhận ở cơ quan, có nhóm thảo luận môi trường chấp nhận ở gia đình.
Môi trường chấp nhận tức là môi trường mà ở đó mỗi thành viên đều được chấp nhận, thấu hiểu, được phát huy cũng như đóng góp khả năng, nhận và trao lợi ích cho nhau.
Chẳng hạn như ở gia đình, các anh chị có ý kiến rằng để tạo môi trường chấp nhận cần có quy luật của lòng tôn trọng, yêu thương, bình tĩnh, khoan dung… Trở ngại của việc tạo môi trường chấp nhận ở mỗi ngôi nhà chính là sự ích kỷ, cái tôi của mỗi người. Các anh chị cho rằng trở ngại chủ quan, trở ngại bên trong chính mình, là quyết định và quan trọng nhất. Để vượt qua những trở ngại, các anh chị đề nghị cần có suy nghĩ tích cực dành cho nhau, thẳng thắn và nâng đỡ trong lời nói, hành động thì cần chính xác chẳng hạn như giữ lời hứa với các thành viên trong gia đình, quan tâm chăm sóc nhau…
Ở cơ quan, các anh chị đề ra các trở ngại cả khách quan lẫn chủ quan của việc xây dựng môi trường chấp nhận. Về mặt khách quan, trở ngại có thể là do ảnh hưởng của tình hình kinh tế tài chính chung, do bầu không khí của cơ quan, thậm chí do cả… sếp (có thể là người nước ngoài nên chưa hiểu văn hoá Việt Nam hay là người dễ nổi giận). Tuy nhiên, trở ngại chủ quan, đến từ bên trong mỗi người vẫn là chủ yếu. Có thể kể đến như: ganh tị, thiếu trách nhiệm, đàm tiếu… Để vượt qua, các anh chị đề xuất các quy luật: win – win: nghĩa là giúp nhau cùng thắng, cùng có lợi, quy luận cho và nhận, quy luật nhân quả. Bạn Vũ có dẫn câu nói của Khổng Tử: “Chưa ra ân đức, đừng vội ra uy” để nhắc rằng đừng quá gay gắt với nhau trong môi trường làm việc.
Khi được hỏi liệu các anh chị có dám là người tiên phong xây dựng môi trường chấp nhận ngay tại gia đình, tại cơ quan của chính mình không? Chị Bạch Yến trả lời rất mạnh mẽ: “Dám!”. Các anh chị cùng thống nhất rằng: nếu ai cũng chờ đợi nhau thì môi trường chấp nhận sẽ không thể thành hiện thực, vì vậy, mỗi người cần tự bắt đầu.
Các anh chị cũng khám phá được để tạo môi trường chấp nhận, trước hết cần chấp nhận chính bản thân mình, cả ưu điểm lẫn khuyết điểm và giúp bản thân tiến bộ mà không tự gây áp lực. Mọi người đều cảm nhận cần đưa những gì mình vừa trao đổi vào hành động thực tế.
Ở hoạt động tiếp theo, các anh chị tự tạo nên một quyển sách về… chính mình. Quyển sách ấy có tựa là tên của mỗi người và nội dung là những ước mơ sâu thẳm nhất cùng những trở ngại khiến các anh chị chưa thể thực hiện được ước mơ.
Sau đó, các điều phối viên thu lại các quyển sách và phát cho những người tham gia với quy định các “độc giả” tạm thời chưa nhìn vào tên sách. Sau đó, mỗi anh chị sẽ mở sách ra, đọc ước mơ và trở ngại của những người bạn cùng tham gia chương trình.
Điều phối viên Ngọc Linh đọc lời dẫn thư giãn để các anh chị đánh thức con người thánh thiện bên trong mình, trân trọng ước mơ của người khác, thấu hiểu bao trở ngại mà mỗi người đang gặp phải và chân thành viết ra những giải pháp để hỗ trợ nhau. Sau đó, một lần nữa, các điều phối viên thu những “quyển sách” đặc biệt và gửi lại cho chính các tác giả.
Khi nhận lại quyển sách của mình cùng lời chúc, giải pháp mà một người bạn nào đó vừa viết tặng, gương mặt anh chị nào cũng lộ vẻ xúc động. Bạn Thành Tâm (Q. Phú Nhuận) chia sẻ rằng: “Khi em viết giải pháp cho người khác, em tự tìm được giải pháp cho bản thân mình”. Anh Vũ Bá Chung (Đồng Nai) tâm sự: “Lời dẫn của Linh (iu phi viên) giúp tôi nhận ra ước mơ sâu thẳm nhất mà thường ngày tôi quên đi, đó là: hiếu thảo với bố mẹ". Anh đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện những điều nhỏ nhoi mà ý nghĩa như chào bố, hỏi thăm bố… Anh cũng cảm thấy rất vui khi một người bạn xa lạ đã đồng cảm với mình trong lời chúc người ấy dành cho anh.
Kết thúc chương trình, chị Bạch Yến (Q.3) làm mọi người bất ngờ, cảm động khi cho biết: “Hôm nay là lần đầu tiên tôi đến đây và được con trai (bạn Hoàng Phúc, sinh viên) dẫn đi. Tham dự chương trình với chủ đề này, tôi mới hiểu con trai mình đang thật sự cần gì…”
Thay mặt nhóm thực hiện Cà phê Giá trị sống, điều phối viên Trà Giang cám ơn các anh chị đã tham gia bằng tất cả nhiệt tình, góp phần tạo nên một buổi chiều của tình thân ái, đồng thời hẹn gặp mọi người ở chương trình tiếp theo: Yêu thương hiệu quả vào ngày 03/08/2014.
0 bình luận :
Đăng nhận xét