Cha mẹ và bé tại TRIỆU TRIỆU NỤ CƯỜI |
Một số đặc điểm phát triển bình thường của trẻ, thuật nuôi con cho những cha mẹ áp lực.
0-1 tuổi
· Tin tưởng cha mẹ/người chăm sóc mình.
· Hình thành sự gắn bó an toàn rất quan trọng cho những năm sau này.
· Để có được cảm giác an toàn, tin tưởng, trẻ cần được sự yêu thương, chăm sóc, tương tác (ẫm, bồng, vuốt ve, ‘trò chuyện’, cười, đùa...) từ phía cha mẹ/người chăm sóc, nếu không trẻ có thể trở nên lo lắng, sợ hãi, nghi ngờ, không tin tưởng.
1-3 tuổi
· Đã có đinh hướng rõ ràng và trải nghiệm giận dữ (khi bị xúc phạm, tổn thương).
· Có nhiều hành vi người lớn coi là “hư” nhưng lại là sự phát triển hết sức bình thường, đó là trẻ thích kiểm tra xem giới hạn của mình đến đâu, khám phá mọi thứ trong tầm tay, có những cơn bốc đồng, tức giận không kiểm soát được...
· Giai đoạn “con muốn làm gì cũng được”, muốn tự làm nhiều thứ (nói, tập đi, đi vệ sinh, mặc quần áo, xúc ăn, giao tiếp và sốt sắng khám phá thế giới xung quanh).
· Trì hoãn đòi hỏi của trẻ là rất cần thiết. Nói “lát nữa mẹ cho” hoặc “sau khi ăn cơm xong”, “sau khi thay tã xong hoặc thay quần áo xong hoặc tắm xong, con sẽ được đi chơi” hoặc “đây là cây viết của mẹ, để mẹ lấy cây viết chì này cho con”… cho phép trẻ dần có cảm giác kiềm chế bản thân. Các qui tắc, nề nếp rõ ràng, đơn giản rất có ích.
· Bạn cùng tuổi là “kẻ cạnh tranh” hoặc “cung cấp” thứ mà trẻ cần.
· Khả năng quan sát sự vật, hiện tượng mới chỉ bắt đầu. Có thể giúp trẻ gia tăng hệ quả tự nhiên. “Khi con đổ cái giỏ đồ chơi, toàn bộ đều đổ ra nhà hết kìa”. “Cả một đống sách đổ xuống khi con kéo từ trên kệ”. “Áo của con quá chặt rồi”. “Chào mẹ rồi đi học”.
· Có khả năng tư duy tương đối cụ thể và bắt đầu làm quen với những tình huống khó. “Mẹ truyền bóng, con bắt và truyền lại cho mẹ nhé”. Chơi cùng trẻ, sử dụng đồ chơi của trẻ, kể chuyện cho trẻ hoặc vẽ… Có thể yêu cầu trẻ tắm, ăn cơm.. bằng giọng Robot hoặc đuổi theo trẻ vào phòng tắm như chú khỉ đột. Có thể biến những thứ nhàm chán thành trò chơi..
· Thiết lập ranh giới: “Không chạy qua đường”. “Con có thể nổi giận, nhưng chúng ta không đánh bạn hoặc đánh ai đó”.
· Người lớn cần kiên nhẫn, thay vì, giục trẻ ‘nhanh lên’ thì hãy cho trẻ thêm thời gian hoặc báo cho trẻ biết trước. “Còn 5 phút nữa là mình ra xe đấy”.
· Khuyến khích tính độc lập: Trẻ lúc này có khả năng độc lập hơn chúng ta tưởng. Chúng ta thường can thiệp và làm cho trẻ như mở kẹo… Trẻ học được nhiều kỹ năng qua thách thức và cố gắng. Để trẻ có cơ hội thử làm việc mới trước khi bạn can thiệp. “Con cầm cái muỗm hay tách vào bồn rửa cho mẹ”. “Con dọn đồ chơi hay quét sàn”.
3-6 tuổi
· Trong 5 năm đầu đời, trẻ hay lấy mình làm trung tâm – trẻ chỉ thấy quan điểm, thấy ý của mình mà thôi. “Ích kỷ” và thường nói “không” để cảm thấy mình có “quyền hành”. Vì thường trái ý người lớn nên hay bị coi là “bướng”, “hư”.
· Thích khám phá thế giới vật chất và xã hội, thích “làm” và bắt chước người khác, có thái độ ‘con làm được’ có ‘sáng kiến’ (cách khám phá, cách làm riêng của mình) nên cũng hay bị phạt (vì làm đổ, bể, hỏng... thứ gì đó).
· Tăng dần khả năng chấp nhận ấm ức và trì hoãn điều làm trẻ thích thú, hài lòng.
· Hạn chế nói “không” mà thay bằng “được kèm điều kiện” giúp trẻ kiểm soát bản thân tốt hơn. “Được con sẽ xem ti vi sau khi ăn xong”.
· Đôi khi gây sự có “ý đồ” là điều bình thường.
· Việc chơi của trẻ rất quan trọng, có bạn “ảo”, bạn tưởng tượng (ví dụ gấu bông, doremon, vật nuôi trong nhà...) là bình thường và hữu ích.
· Khả năng tự điều chỉnh tăng dần.
· Học những gì là đúng/phù hợp về mặt xã hội.
· Phát triển ngôn ngữ.
· Nhận thức về giới tính (gái, trai) của mình.
· Thời điểm 5 tuổi rất dễ nhạy cảm khi mắc lỗi. Nếu cha mẹ, thầy cô đánh mắng khi trẻ mắc lỗi trong lứa tuổi này dễ gây tổn thương cho trẻ.
6-12 tuổi
· Tuổi 6-7 vẫn còn rất nhạy cảm việc mắc lỗi. Lứa tuổi này trẻ đang tập thích nghi với trường học. Nếu bị phạt khi mắc lỗi trẻ dễ thu mình, cảm thấy không an toàn, có thể giảm hứng thú, động cơ học tập hoặc thậm chí không thích đi học.
· Người lớn (cha mẹ/thầy cô) cần chấp nhận mắc lỗi là bình thường/tự nhiên và coi đó là cơ hội giúp trẻ học tập. Không đồng nhất hành vi mắc lỗi với tính cách con người của trẻ.
· Chức năng thích nghi được củng cố, giai đoạn hình thành thói quen chăm chỉ học tập, giúp một số công việc nhà. Thạo hay giỏi một cái gì đó rất quan trọng với trẻ. Mặc cảm tự ti sẽ hình thành nếu trẻ tin rằng mình không thể đạt được những gì mà người lớn mong đợi. Trẻ rất cần nâng đỡ, khích lệ.
· Biết tự kiềm chế cảm xúc, ít gây gổ.
· Trẻ có thể tự mình tổ chức, sắp xếp và thực hiện hoạt động (học, chơi)
· Kỹ năng xã hội bắt đầu phát triển, quan hệ bạn bè cùng tuổi quan trọng
· Phân biệt rõ cuộc sống chung và cuộc sống riêng tư (có bí mật riêng)
· Biết chắc rằng có những người (như thầy cô, cha mẹ) có “quyền lực”
12-18 tuổi
· Hoóc môn thay đổi, tâm trạng hay thay đổi (ví dụ: nhạy cảm hơn, dễ nổi giận bất ngờ). Dễ nhiệt tình, nhưng cũng dễ chán nản.
· Phát triển về mặt đạo đức và xã hội. Bạn cùng lứa rất quan trọng, có khi còn chịu ảnh hưởng của bạn bè hơn cả của cha mẹ, thầy cô.
· Cảm giác xáo trộn, nhầm lẫn về vai trò vì không biết mình sẽ đóng vai trò gì khi thành người lớn. Có thể “nổi loạn”, chống đối. Thể hiện cá tính, thể hiện bản thân. Dễ xảy ra va chạm, xung đột với người lớn. Nhu cầu độc lập/ tự lập thể hiện rõ hơn. “Thách thức”(tranh luận, cãi lại) người lớn là điều bình thường.
· Muốn được tin tưởng để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn. Lúc này nhiều em như ở ngã ba đường, người lớn cần hướng dẫn một cách thân thiện, tôn trọng, giúp đỡ xác định mục tiêu, hướng đi và làm sao để dần tạo lập chỗ đứng trong cuộc sống sau này.
0 bình luận :
Đăng nhận xét