Với chủ đề "Bốn gương mặt phụ nữ", chương trình diễn ra tại Trung tâm làm giàu thế giới nội tâm TP. HCM thu hút nhiều chị em hào hứng tham gia.
Gần 100 học viên nữ đã "ngắm nghía" và "chọn" cho mình một gương mặt phù hợp nhất, để có thể cảm thụ và tận hưởng hạnh phúc.
Tác giả của câu chuyện “Bốn gương mặt phụ nữ” là Caroline Ward, nhà báo, nhà phụ nữ học nổi tiếng của Úc. Câu chuyện của chị đã được đưa vào chương trình giáo dục “Các giá trị sống” trên toàn thế giới, giúp những người phụ nữ nhận diện mình và phấn đấu để có gương mặt mà họ mong đợi.
Đầu tiên là gương mặt nguyên thủy trong một thế giới sơ khai. Người phụ nữ sống thiên về bản năng, tự do không hề bị ràng buộc.
Liên tưởng đến bản thân, học viên nhận ra đó là gương mặt trẻ thơ của mình. Cô bé xinh xắn, hồn nhiên, với tâm hồn luôn rạng ngời, tỏa sáng. Cô tin cậy mọi người và niềm tin ấy cũng được đáp lại.
Cô có thể làm một người đang buồn trở nên vui tươi. Với sự ngây thơ của cô, người ta như được nhắc về khoảng thời gian tự do của họ. Cái thời trẻ thơ hay vui chơi, ca hát và tô vẽ mà không sợ bị phán xét hay chê bai. Từ ánh mắt của cô bé, mọi người đều nhận thấy cô thích thú muốn khám phá những điều mới lạ. Cô không nhận thức về sự nguy hiểm và cũng không có khái niệm giữ an toàn.
Khi cô trở thành thiếu nữ, người lớn bắt đầu lo sợ cho sự an toàn của cô. Do đó, họ bắt đầu dựng lên những hàng rào, những ranh giới vô hình. Họ yêu thương cô và quý trái tim thuần khiết của cô nhiều đến nỗi họ đã soạn ra các quy định, quy tắc để bảo vệ cô.
Cô gái tuân thủ, nhưng cảm thấy ngột ngạt. Có lúc cô gái nhận ra rằng thật ra vấn đề không phải quá nghiêm trọng như thế. Bây giờ cô đã hoàn toàn trong giới hạn. Cô đeo vào gương mặt truyền thống.
Xét theo chiều dài lịch sử nhân loại, gương mặt thứ hai hình thành khi thế giới có nhiều biến cố, nhiều nguy hiểm với các giá trị tốt, xấu. Gia đình và xã hội xây cho người phụ nữ bức tường kín với đủ các lề lối, luật định, lễ nghi… Phụ nữ có gương mặt cam chịu, nhẫn nhục. Dần dần, họ cảm thấy bị khống chế, chứ không phải được bảo vệ. Họ muốn thoát ra, muốn được hoạt động xã hội, muốn được đối xử như… đàn ông.
Có người sinh con gái một bề, cảm thấy có lỗi, hoặc ít ra là áy náy với gia đình chồng. Có người đã từng làm dâu quá cực nhọc, bỗng ganh tị với con dâu “nhất định đòi ở riêng”. Và cũng có người đang cố chịu đựng ông chồng bạo hành mà không dám tranh đấu.
Khi nỗi đau trở nên quá lớn, nỗi buồn trỗi dậy dữ dội, thì họ muốn bứt phá… Người phụ nữ đã tự mình thực hiện điều này trong ngôi nhà và cộng đồng. Họ đã cùng nhau tạo ra cuộc thay đổi. Trong tuyệt vọng, họ chiến đấu để giành lại sự tự do, nhưng cuộc đấu tranh và sự phản kháng ấy lại trở thành những xiềng xích trong đời họ.
Nói một cách khác, qua thời gian, người phụ nữ phá bỏ được rào cản của truyền thống. Họ lao ra xã hội, mặc sức hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Họ là người phụ nữ hiện đại, xông xáo, tài năng… Gương mặt của họ không “vô tư” như người phụ nữ thứ nhất, không “ưu phiền” như người thứ hai, nhưng cũng chẳng thể vui vẻ, thư giã n mà luôn mệt mỏi, căng thẳng, chán nản, âu lo… Họ dễ bị stress tấn công. Họ luôn cảm thấy kiệt sức trong vòng vây của mục tiêu mà chính họ đặt ra.
30% học viên trong lớp nhận thấy mình có gương mặt “quá mệt” của người phụ nữ hiện đại, nhiều người trong số này không giữ được hạnh phúc gia đình, phải từ bỏ sở thích.
Và gương mặt thứ tư đã xuất hiện: mạnh mẽ, thanh thản, đủ thông tuệ để vừa quan sát cuộc sống, có cái nhìn bao quát, vừa hướng về chính mình. Họ hiểu bản thân, biết mình cần gì, muốn gì… luôn tự do trong tâm trí, hành vi chứ không làm theo sự “định hướng” của ai hoặc một trào lưu nào đó.
Cả lớp học đều mong muốn có gương mặt thứ tư. Một số người vui mừng khi thấy mình đang “giống giống” gương mặt này. Đó là những người biết cách tạo cho mình sự bình yên, hạnh phúc, với lối tư duy tích cực, biết cân bằng giữa công việc và gia đình để tận hưởng niềm vui làm mẹ, làm vợ.
0 bình luận :
Đăng nhận xét