Inner Space Việt Nam, trực thuộc Hội Khoa Học Tâm Lý Giáo Dục TP. HCM và có mặt tại Việt Nam hơn 25 năm, là một trung tâm hoạt động vì cộng đồng chuyên về lĩnh vực sức khỏe tinh thần. Website: InnerSpace.vn | Hotline: 0379996867

Inner Space Việt Nam - Trực thuộc Hội Khoa Học Tâm Lý Giáo Dục TP. HCM số 10/QĐ-HKHTLGD

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

"CHỈ ĐẸP THẬT SỰ KHI LÀ CHÍNH MÌNH"

"Tôi không giới hạn mình và mọi người bằng một ánh nhìn hay quan điểm riêng nào, bởi với tôi ai cũng quyến rũ khi họ quay trở về là chính mình." - Phạm Thị Sen


Giảng viên Phạm Thị Sen cùng với các học viên  (ảnh: Như Ý)
Phạm Thị Sen mộc mạc, giản dị như cái tên của chị. Từ một học viên giỏi, một thông dịch viên giỏi, chị được giao nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm nghiên cứu - giáo dục Giá trị sống TP.HCM. Chị theo con đường thiện nguyện, phục vụ cộng đồng như một lẽ sống tự nhiên.

Hơn 10 năm, trong vai trò giảng viên, tập huấn các khóa học, Phạm Thị Sen đã cùng các cộng sự của mình “đánh thức” các giá trị sống đang ngủ quên của hàng ngàn học viên, giúp họ thật sự biết cách “sống thật” và có kỹ năng “đánh thức” người khác: suy nghĩ hiệu quả, sống không stress, vượt qua giận dữ, biết giá trị trong cách dạy con...


PV: Năm 2000, Trung tâm nghiên cứu - giáo dục Giá trị sống mở cửa khá lặng lẽ tại TP.HCM, không quảng cáo rầm rộ như các trung tâm kỹ năng sống thời đó. Cơ duyên nào đưa chị đến trung tâm rồi “dính” luôn tới giờ?

Giảng viên Phạm Thị Sen: Năm 2002, tôi làm việc tại một cửa hàng bán đồ trang sức của Nhật. Một người Mỹ tự giới thiệu là bác sĩ thường đến cửa hàng và nán lại rất lâu.

Vì muốn trau dồi tiếng Anh, tôi thường xuyên đến gặp cô ấy. Tôi phát hiện ra cô ấy là nhà tâm lý học. Nơi cô ở có một nhóm học trò người Việt Nam. Sau hai tuần, cô người Mỹ ấy về nước.

Trong số học trò của cô, có một chị phiên dịch. Chị ấy mời tôi tham gia một buổi đi phát thuốc miễn phí cùng với nhóm bác sĩ ở Viện Y học dân tộc. Sáng đó, tôi thức dậy trễ, họ đã ra khỏi thành phố.

Tôi gọi điện, chị ấy bảo tôi đến một ngôi nhà trên đường Phó Đức Chính chờ. Khi tôi đến nơi, thấy tấm bảng “Trung tâm nghiên cứu - giáo dục Giá trị sống”, một người nước ngoài ra mở cửa, nói tiếng Anh rất dễ nghe.

Cô ấy mời tôi vào và giới thiệu những chương trình cô đang làm thiện nguyện ở Việt Nam. Tôi hơi chựng lại, chưa kịp “tẩu thoát”, thì cô ấy đưa tôi một cuốn sách, bảo tôi ngồi đọc và chờ cô vì cô đang bận dạy ở trên lầu.

Sau khi dạy xong, cô trò chuyện thân thiện với tôi về trung tâm. Tôi hỏi, cô có phải là nhà tư vấn tâm lý không. Cô bảo: “Tôi chỉ dạy học thôi”. Cô giới thiệu về những gì cô đang làm ở Việt Nam qua chương trình “Vì một thế giới tốt đẹp hơn”, và đồng ý cho tôi được tham gia cùng. Cô ấy là Trish Summerfield, đến từ New Zealand, người sáng lập và điều hành trung tâm.

Phạm Thị Sen trong bếp (ảnh: Như Ý)
* Tốt nghiệp khoa ngoại ngữ Đại học Sài Gòn, tiếng Anh là một phương tiện để có một nghề… ngon lành, nhưng chị lại chọn một công việc không có thu nhập, vì sao?

Ban đầu tôi đến với trung tâm là tò mò, học tiếng Anh và muốn thay đổi thế giới (cười). Do quá bận rộn với chương trình, vừa đi làm kiếm sống, vừa làm đủ mọi việc tại trung tâm, từ phiên dịch, tiếp tân, quét dọn và thỉnh thoảng dạy học, tôi chỉ về nhà để ngủ và hầu như chẳng có thời gian nào cho gia đình và bạn bè.

Tôi cứ nghĩ khi trung tâm tìm được ai đó làm thay, mình sẽ nghỉ. Nhưng, tôi đã “phải lòng” và yêu chương trình này lúc nào không hay.

Chính những thay đổi, những giọt nước mắt hạnh phúc từ phía học viên và những thay đổi tích cực từ bản thân đã làm tôi vững tin, không cảm thấy mình đang phải chịu đựng, đang phải cống hiến nữa. Bây giờ, tôi thỉnh thoảng mới đi làm thêm, hầu hết thời gian tôi dành cho trung tâm.


* Chị học được gì ở trung tâm này, và bản thân có thay đổi gì đáng kể không?

Trung tâm đã mang lại cho tôi trải nghiệm rất thật về các giá trị, phẩm chất tốt đẹp vốn có, để tôi thấy yêu thương và trân trọng chính bản thân mình hơn bao giờ hết… Và tôi nhận ra, tôi chẳng thể thay đổi ai, ngoại trừ bản thân mình.

Một điều nghịch lý là khi tôi bắt đầu tập trung vào thay đổi bản thân bằng việc gợi nhắc mình về các giá trị tốt đẹp, không vướng mắc vào các vai trò hay mong đợi người khác đáp ứng điều mình cần, thì cũng là lúc tôi nhận ra mình muốn cống hiến tất cả, kể cả thời gian, tài chính và công sức để giúp đỡ mọi người.



* Hơn 10 năm tham gia chương trình tập huấn “Giá trị sống”, giúp cho mọi người sống đẹp hơn, quan niệm của chị về một người phụ nữ “quyến rũ” là như thế nào? Cái đẹp nội tâm chiếm bao nhiêu phần trăm?

Tôi không giới hạn mình và mọi người bằng một ánh nhìn hay quan điểm riêng nào, bởi với tôi ai cũng quyến rũ khi họ quay trở về là chính mình. Nhiều phụ nữ khi đến trung tâm với tâm trạng ủ rũ, đáng thương lắm.

Họ tự giới thiệu mình là diễn viên, từng là hoa khôi… nhưng tôi chỉ thấy họ đẹp và tỏa sáng khi họ đã hiểu ra những giá trị của bản thân. Tôi thích nhìn họ vào lúc đó. Mắt họ sáng bừng, miệng mỉm cười, giọng nói của họ biểu lộ sự biết ơn đối với cuộc đời… Họ thật đẹp vào lúc đó!

Chúng tôi có khóa học “Bốn gương mặt phụ nữ”, thường chỉ dành cho phụ nữ thôi, nhưng thỉnh thoảng cũng có một vài anh đưa vợ đi học, xin học “ké”. Tôi gợi ý cho học viên nam nhớ lại một khoảng thời gian đẹp bên một người phụ nữ nào đó, có thể là bà, mẹ, vợ, bạn gái…


Khi chia sẻ, hầu hết đều bật khóc khi họ kể về người phụ nữ của mình và cuối cùng họ kết luận rằng, người phụ nữ ấy là đẹp nhất đối với họ. Rõ ràng, vẻ đẹp hay sự quyến rũ không nằm ở sắc đẹp bên ngoài mà ở các giá trị toát ra từ bên trong. Nhiều học viên thường nhận xét rằng các cô giáo tại trung tâm có đôi mắt biết cười và đó là vẻ đẹp khó quên cho người tiếp cận.

Tôi không đánh giá vẻ đẹp nội tâm chiếm bao nhiêu phần trăm mà nó là vẻ đẹp chính yếu, phần gốc, còn vẻ đẹp bên ngoài là thứ yếu, phần ngọn. Nếu không có phần gốc, thì phần ngọn dù đẹp đẽ và xanh tươi đến mấy cũng chóng tàn.

Phạm Thị Sen, trong vai trò thông dịch viên với diễn giả Charles Hogg - người Úc (ảnh: Inner Space)
* Dường như chị luôn hài lòng, trước mọi tình huống đều “chẳng sao cả”, làm thế nào để có được điều đó?

Tôi thích cuộc sống của mình và công việc mình đang theo đuổi. Hầu hết mọi người mới đến trung tâm đều không hài lòng điều gì đó về cuộc đời. Đó có thể là mối quan hệ, là công việc, cá nhân họ.

Nhưng khi đã đến học thường xuyên, họ như biến thành những con người hoàn toàn khác, từ bế tắc, tuyệt vọng chuyển sang nhẹ nhàng và hy vọng. Qua họ, tôi học được rằng, vấn đề chỉ là sự xác định của mỗi người và nó được hóa giải hoàn toàn khi chủ nhân nhận ra các giá trị đích thực.

Có thể ví đơn giản, cuộc đời như số 8, có hai vòng tròn giao thoa với nhau. Một là tích cực và một là tiêu cực. Chỉ khi họ đứng vào giữa hai vòng tròn, họ mới có thể chọn lựa bước vào vòng tròn nào và lựa chọn đó phụ thuộc vào nhận thức, đánh giá mình ra sao.



* Không chạy theo ngoại hình, không son phấn, hàng hiệu… chị có nghĩ mình bị mất đi “bản chất” phụ nữ không?

Mỗi buổi sáng, tôi cũng tự trang điểm cho mình bằng các giá trị đấy thôi. Dùng son phấn, hàng hiệu… có thể tạo hiệu quả lúc ban đầu, nhưng về lâu dài cái chính là xây dựng mối tương quan của bản thân với công việc, các mối quan hệ...

Do vậy, nỗ lực không nằm ở trang trí bề ngoài mà phụ thuộc vào các mối quan hệ với bản thân. Ăn mặc đúng cách là chăm sóc tất yếu cho bản thân. Một khi bạn đã tôn trọng bản thân, bạn sẽ tôn trọng mọi người và mọi hoàn cảnh.

Tôi thường hỏi các bạn học viên, trang điểm để làm gì? Để cảm thấy tự tin, đúng không? Rõ ràng mọi thứ chúng ta làm đều bắt đầu bằng một kỳ vọng đạt giá trị nào đó, nhưng lại lấy phần ngọn để nuôi dưỡng phần gốc. Chẳng cái cây nào có thể sống nổi khi bạn đem phần ngọn trồng vào đất và để phần gốc chổng ngược lên trời…

Trường Sơn (thực hiện)
Nguồn: báo Phụ Nữ

Theo dòng sự kiện kỷ niệm 20 năm Inner Space tại Việt Nam

* Đọc bài Xông Đất Tâm Hồn


0 bình luận :

Đăng nhận xét


THIEN-INNER-SPACE-TRISH-SUMMERFIELD-VIET-NAM