PN - Tình trạng bạo lực ở giới trẻ gây không ít quan ngại cho các bậc phụ huynh và cộng đồng. Những trận ức hiếp bạn trang lứa ngày càng nhiều và hình thức gây hấn cũng càng nham hiểm và nguy hại hơn. Vì sao những thanh thiếu niên này lại chọn gây hấn thay vì ôn hòa và thù ghét thay vì tử tế?
Chúng ta cần nhìn vào nguyên nhân đằng sau những hành vi bạo lực ấy để nhìn rõ những cảm xúc của lứa tuổi các em và vì sao các em lại chọn bạo lực để thể hiện những cảm xúc của mình. Là cha mẹ và thầy cô, nếu khích lệ, chúng ta có thể đóng vai trò then chốt trong việc đảo ngược tình thế, giúp các em có những lựa chọn biết tôn trọng thay vì khinh dễ và khoan dung thay vì bạo lực.
>>> Xem lịch học Kỹ năng cha mẹ.
Những thăng trầm cảm xúc
Tuổi trẻ là tuổi của diệu kỳ, háo hức học hỏi và ước mơ, nhưng cũng là tuổi của đan xen những thăng trầm cảm xúc, của buồn vui, giận hờn, lo âu, sợ hãi và ganh ghét.
Và có ba cách để các em bộc lộ những thăng trầm ấy của mình. 1) Các em không dám thể hiện mà che giấu cảm xúc của mình. Trong trường hợp này, các em thường chọn cách im lặng, dè dặt trong giao tiếp và không tìm cách giải tỏa, nhưng lại cảm thấy bứt rứt khó chịu trong lòng; 2) Các em la lối, cãi lại, đàm tiếu, phàn nàn hoặc gây gổ; 3) Các em biết chuyển hóa cảm xúc tiêu cực thành tích cực bằng cách luôn giữ thái độ lạc quan, tự tin và thấu hiểu dựa trên các giá trị và kỹ năng sống tích cực.
Cảm xúc tiêu cực khi bị ức chế là tự gây tổn hại cho bản thân mình cả về thể chất như đau đầu, tiêu hóa kém, gặp các vấn đề về tim mạch, dạ dày và về tinh thần như mất cân bằng, căng thẳng, rối loạn lo âu và trầm cảm.
Sự bùng phát những cảm xúc tiêu cực là gây hại cho người khác vì nó làm giảm khả năng ứng xử khôn ngoan, dẫn đến những lời nói và hành động độc ác. Nếu thường xuyên phản ứng giận dữ và thù ghét, thì thói quen và tính cách tiêu cực sẽ hình thành.
Hóa giải những cảm xúc tiêu cực là khi các em biết sử dụng sức mạnh nội tại, sự hiểu biết và chọn cách hồi đáp khoan hòa, chấp nhận đối với người lớn hay bạn bè dù đôi lúc các em có bất đồng hoặc không thật sự thích quan điểm của họ.
Các em đang sống trong một xã hội với nạn bạo hành ngày càng gia tăng. Thậm chí bạo hành đã trở nên “nóng bỏng” và được bạn bè “ủng hộ” hội đồng ở trường học và ngoài cộng đồng. Tuy vậy, nếu nhận thức rõ, các em vẫn có thể nói “KHÔNG” với nó và chọn cách ứng xử hiểu biết, khoan hòa.
Ba yếu tố quyết định sự lựa chọn của các em, đó là: 1) môi trường thơ ấu; 2) môi trường xã hội và bạn bè trang lứa; 3) môi trường “bên trong” do chính các em tạo ra.
Môi trường thơ ấu
Nhớ lại một cậu học sinh “cá biệt” trong trường nơi tôi dạy học nhiều năm trước. Cậu bé này bị buộc phải chuyển lớp do đã có những hành vi bắt nạn một bạn học sinh khác. Qua tìm hiểu, tôi được biết cha em là người có kiểu hành xử “giang hồ”. Ông thường nổi giận và hành hung mọi người, kể cả em. Mỗi khi tức giận, em cũng dùng bạo lực để đòi lại công bằng cho mình. Bài học mà cậu bé học được từ cha mình là hành hung bằng vũ lực để giải tỏa cơn tức giận của bản thân.
Và hành vi ấy đã được vun trồng mãnh liệt hơn khi em bước vào môi trường học tập không an toàn, trong đó em bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt và không được tôn trọng. Khi được chuyển vào lớp tôi, em đã cảm nhận sự khác biệt trong lối hành xử ôn hòa và thân ái giữa các bạn trong lớp.
Tôi đã ý thức rèn luyện các em để cùng xây dựng một “môi trường học tập dựa trên nền tảng các giá trị” mà trong đó tất cả các em đều cảm thấy an toàn, được tôn trọng và được yêu thương. Chỉ vài hôm, em đã trở nên thân thiện và bắt đầu tham gia các hoạt động của lớp. Sau đó vài tuần, em trở nên thân thuộc, thoải mái và thậm chí còn năng nổ trong nhiều hoạt động khác nữa.
Rõ ràng, môi trường chung quanh trẻ đã ảnh hưởng không nhỏ đến hành vi của các em. Đa phần các em ngỗ nghịch, thích dùng bạo lực để giải quyết vấn đề đều cảm thấy không an toàn, bị đe dọa và do vậy rất cần một môi trường giáo dục an toàn và tích cực mà trong đó các em được học cách tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau.
Môi trường xã hội và bạn bè trang lứa
Theo bà Diane Tillman, một nhà tâm lý giáo dục và là tác giả của hàng loạt sách giá trị sống cho rằng: “Thách thức trong công việc giáo dục lứa tuổi thanh thiếu niên ngày nay không còn đơn giản như trước kia khi mà có những hình mẫu tốt và những câu chuyện giáo dục sống động. Còn tuổi trẻ bây giờ đã bị vây bủa bởi những cơn lốc phim ảnh và game bạo lực. Các em cứ như bị hút hồn vào những trò kích động và do đó cũng ‘động tay chân’ ngoài thực tế”.
Như người lớn chúng ta, các em cũng muốn được chấp nhận và được tôn trọng. Sống trong một môi trường bị vây bủa bởi quá nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ bạn trang lứa, các em cho rằng mình sẽ được bạn bè bao gồm khi có những hành động “hung hăng” và ra oai. Đó là cách mà các em đang cố giành lấy sự nể trọng từ bạn bè mình.
>> Đọc thêm bài 9 cách đánh bật tiêu cực - Trish Summerfield
Thường xuyên có những hành động bạo lực và chứng kiến nhiều cảnh bạo lực khiến các em trở nên mẫn cảm và thích được tham gia hoặc ủng hộ những hành vi gây hấn
Môi trường “bên trong” – đó là suy nghĩ của các em
Câu nói “ăn gì thành nấy” nhấn mạnh thức ăn ảnh hưởng nhiều như thế nào đối với sức khỏe thể chất. Do vậy “nghĩ gì thành nấy” cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cách hồi đáp của các em trước tình huống. Nếu thường xuyên suy nghĩ tiêu cực về bản thân, người khác hay phàn nàn và công kích, các em sẽ có nguy cơ lựa chọn những hành vi tiêu cực trong ứng xử của mình. Những thanh thiếu niên suy nghĩ tích cực và có lòng tự trọng sẽ KHÔNG bao giờ gây tổn thương cho bạn bè mình.
Cha mẹ và thầy cô đóng vai trò như thế nào trong việc hướng dẫn các em hành xử tích cực?
Nhiều bậc cha mẹ và thầy cô chỉ chú trọng đến chuyện học hành của con em mình mà quên mất việc giáo dục trẻ cách hành xử tử tế, đúng mực và có những hành vi xây dựng thuận hòa giữa các trẻ với nhau.
Giáo dục như thế nào ở trường?
Nhà văn Ian McEwan đã phát biểu rằng: “Hình dung bản thân là một người nào đó khác với mình chính là cốt chất của con người. Nó là cốt lõi của lòng trắc ẩn và là khởi đầu của luân thường đạo lý”.
Trong chương trình giáo dục những giá trị sống (www.giatricuocsong.org) có những hoạt động mà các giáo viên có thể sử dụng như một hoạt động ngoại khóa hàng tuần nhằm giúp học sinh hình dung về một thế giới lý tưởng và cảm nhận của chúng về thế giới ấy, chẳng hạn như:
a. Các em muốn sống trong một thế giới như thế nào?
b. Con người ở thế giới đó sẽ cư xử với nhau dựa trên những giá trị nào?
c. Những giá trị này có ảnh hưởng như thế nào đến các mối quan hệ của các em với nhau và với những người lớn khác?
d. Cho các em lập bản đồ tư duy để nhận thức những tác động trái ngược của một giá trị tiêu cực với tích cực, chẳng hạn như giá trị thiếu tôn trọng với tôn trọng.
Giáo dục như thế nào ở nhà?
Nhiều cha mẹ cảm thấy bất lực khi giáo dục con, nhất là khi cha mẹ không có nhiều thời gian cho con. Do vậy, cha mẹ cũng thường xuyên cáu gắt và thậm chí đánh đập con. Thế nhưng, nếu khoảng thời gian được dành cho xem phim một mình hay tự làm gì đó, cha mẹ có thể cùng con xem những bộ phim, đọc những cuốn sách mang tính giáo dục hoặc cùng làm gì đó và rồi luận đàm cùng con. Chẳng hạn như: Con nghĩ sao về bộ phim này? Chúng ta có thể áp dụng gì từ bộ phim này vào thực tế? Mối quan hệ giữa nhân vật A và B bị đổ vỡ là do đâu? Nếu con là A, con sẽ cư xử thế nào?...
Vì thế, chia sẻ cùng con, lắng nghe và thấu cảm là việc làm hết sức quan trong việc ngăn ngừa bạo lực trường học. Ở một số trường hợp, cha mẹ có thể cùng con tìm hiểu những giá trị tiêu cực đằng sau một hành động bạo lực và những giá trị tích cực nào nhằm ngăn chặn tình trạng này để các em có thể nhìn ra tác động thật của các giá trị trong các tình huống.
Hãy là thay đổi mà bạn muốn thấy ở con
Có khi, bạn hãy lên kế hoạch tìm hiểu bản thân trong suốt cả ngày để xem lối hành xử và phong cách sống của mình có là bài học tốt cho con hay không. Có thể cháu không thường xuyên lắng nghe bạn, nhưng trẻ nào cũng để ý quan sát xem cha mẹ xử trí thế nào trong một tình huống. Đó chính là những viên gạch xây nên nhân cách của con. Hãy là thay đổi mà bạn muốn thấy ở con, chứ không phải nói trẻ phải thay đổi gì đó!
Phòng bệnh hơn chữa bệnh - Hạt giống nảy sinh mỗi quyết định của chúng ta là một giá trị - đó có thể là một giá trị tích cực hoặc tiêu cực. Chú tâm nuôi dưỡng và sống với các giá trị tích cực, chúng ta sẽ tạo ra một cuộc đời tốt đẹp hơn cho chính chúng ta và tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho con cái của chúng ta. Đây là khoảng thời gian cần thiết hơn bao giờ hết cho chúng ta chú tâm vào các giá trị.
Nghe thật đơn giản – những hành vi chính là quả trái và các giá trị tiêu cực hay tích cực là những hạt giống. Vấn đề bạo lực học đường đang là mối bận tâm của không ít người lại chỉ là quả trái của những giá trị hoặc “hạt giống” tiêu cực. Nếu muốn quả khác, chính chúng ta, những người lớn cần phải giơ tay giúp trẻ gieo trồng những hạt giống tốt.
Link tại đây: http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/cam-nang-gia-dinh/vi-sao-tre-chon-gay-han-thay-vi-on-hoa/a140007.html
Những bài viết cần đọc:
CHỮA LÀNH TRÁI TIM VÀ TÂM HỒN
CON NGƯỜI CÓ THỂ THẮNG ĐƯỢC TIÊU CỰC CỦA XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
Cô Trish Summerfield - 20 NĂM DẠY HỌC MIỄN PHÍ TẠI VIỆT NAM
XÔNG ĐẤT TÂM HỒN
0 bình luận :
Đăng nhận xét