Inner Space Việt Nam, trực thuộc Hội Khoa Học Tâm Lý Giáo Dục TP. HCM và có mặt tại Việt Nam hơn 25 năm, là một trung tâm hoạt động vì cộng đồng chuyên về lĩnh vực sức khỏe tinh thần. Website: InnerSpace.vn | Hotline: 0379996867

Inner Space Việt Nam - Trực thuộc Hội Khoa Học Tâm Lý Giáo Dục TP. HCM số 10/QĐ-HKHTLGD

Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Nhận diện ảo tưởng Stress

Câu hỏi khởi động: "Vì sao bạn bị Stress?" của khóa NHẬN DIỆN STRESS tại Trung tâm Innerspace luôn nhận được những câu trả lời đa dạng: những người ở độ tuổi U60 cho rằng nguyên nhân khiến họ bị stress là nỗi sợ tuổi già, sợ cô đơn, sợ bệnh, sợ chết; độ tuổi U50 là những nỗi lo về con cái, bệnh tật; độ tuổi U40 là địa vị, gia đình, con cái; độ tuổi U30 là mối bận tâm về ngoại hình, công việc, hôn nhân; độ tuổi U20 là áp lực học hành, công việc, tình yêu, thành công, nghi ngờ bản thân hay thậm chí là sự chán nản; còn trẻ nhỏ là cảm giác áp lực học hành hay nỗi sợ bị từ chối. 

Có vẻ như mỗi ngày chúng ta đều có những khoảnh khắc lo lắng, dưới hình thức này hay hình thức khác. Chúng ta có xu hướng chấp nhận chúng như là một phần vốn có của cuộc sống. Rốt cuộc những khoảnh khắc tưởng như bình thường ấy tích lũy lại và đột nhiên chúng ta cảm thấy mình bị quá tải và chán sống! Dường như tất cả đều bắt nguồn từ tình trạng sử dụng sai cái được gọi là stress. 

Những quan niệm sai lầm về stress.

1. Stress là một điều tự nhiên và tích cực trong cuộc sống hiện đại
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi bộ não trong trạng thái 'đánh thức cảm xúc tích cực', thì lượng endorphin (hóa chất hạnh phúc) sẽ được giải phóng vào trong các tế bào não và khi đó chúng ta có cảm giác tích cực, tự tin và thích những việc mình đang làm, vì thế đem lại hiệu quả cao. Stress được xem như là một phản xạ của cơ chế sợ hãi, bắt nguồn từ trong tâm trí. Nỗi sợ kích thích não bò sát 'chiến đấu' hay 'bỏ chạy'. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể còn nhiều lựa chọn khác từ não tư duy rằng mình có thể đứng yên, mỉm cười hoặc nhảy múa...! 

Lý do khiến chúng ta không thể tìm ra những lựa chọn khôn ngoan khi phải đối mặt với những tình huống thách thức là nỗi sợ hãi. Sợ làm tê liệt khả năng đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của mỗi lựa chọn, khiến chúng ta không thể tìm ra một giải pháp đúng đắn nhất. 

2. Stress là do tình huống và hành vi của người khác. 
Giả sử bạn bất cẩn và ngồi vào một cái ghế không thăng bằng. Nó đổ và bạn ngã bị thương. Bạn sẽ làm gì trong trường hợp này? Lẽ dĩ nhiên là bạn sẽ tìm cách để băng bó cho vết thương của mình.Nhưng cùng một cái ghế ấy, ngay lúc bạn ngồi xuống, ai đó đi qua và va chạm vào cái ghế. Nó cũng đổ và bạn cũng bị thương. Bạn sẽ nghĩ gì trong trường hợp này? Cách xử sự của bạn có khác trước không? 

Nhiều người cho rằng họ sẽ xử sự khác ở trường hợp thứ hai. Họ sẽ kết tội người chạm cái ghế, làm nó bị đổ. Tương tự chúng ta thường có khuynh hướng kết tội ai đó hay một sự việc nào đó khiến mình bị stress. Nó giống như một ảo tưởng rằng người khác phải chịu trách nhiệm cho những gì mà tôi đang phải chịu đựng và vì thế họ hoặc sự việc phải làm gì đó để giải tỏa stress này của tôi. Đây chính là cơ sở cho việc chê bai, chỉ trích, những căn nguyên gây ra mâu thuẫn, phí phạm thời gian, năng lượng, tiền bạc và hạnh phúc của mình.

3. Stress là do công việc quá nhiều.
Hầu như lúc nào chúng ta cũng bị khủng hoảng trước hiện tượng thiếu thời gian và bị mắc kẹt vào chuyện chạy đua cho kịp thời gian biểu. Chúng ta muốn có được nhiều thứ hơn cùng một lúc, hoặc cứ nghĩ mãi về quá khứ hay tương lai. Có vẻ chúng ta đang làm những điều không quan trọng thành quan trọng để né tránh những điều thật sự quan trọng và vì thế chúng ta phải hành động vội vã để cảm thấy mình quan trọng. 

Nhiều học viên chia sẻ rằng họ không thể ngồi yên mà nghỉ ngơi được. Suy nghĩ của họ lúc nào cũng bắt họ phải hoạt động, dù đó là gọi điện cho bạn bè, đọc báo, xem phim... Thậm chí có người phải mở truyền hình để tiếng nói ấy đưa mình vào giấc ngủ! và rồi họ than vãn mình không có đủ thời gian???

Chúng ta không thể kiểm soát được cái 'gấp gáp', nhưng có thể quyết định và lựa chọn đầu tư thời gian vào thực hiện những việc quan trọng. 

Gỡ bỏ ảo tưởng

Một bạn sinh viên đến trung tâm và nhờ chúng tôi giúp đỡ vì em đang sống trong một sự thất vọng triền miên. Em cho chúng tôi xem hai cánh tay với đầy những vết cắt của những lần tự vẫn không thành. Em nghĩ rằng mình đang trong tình trạng không thể cứu vãn được vì mất ngủ, căng thẳng đến nỗi em không thể làm việc hay học hành gì. Chúng tôi đã giới thiệu em đến một bác sĩ tâm lí. Sau vài buổi học, em chia sẻ rằng: "thật sự bác sĩ tâm lí không giúp em được vì họ cứ yêu cầu em nói ra điều đã xảy đến với em. Sau một vài buổi học ở đây, em nhận ra rằng em không hề có vấn đề gì. Nguyên nhân khiến em tuyệt vọng là thái độ tự xem mình ở vị trí nạn nhân của hoàn cảnh và những người khác"

Khi bạn chú ý một chút, bạn sẽ nhận ra hầu hết những rắc rối xuất hiện trong cuộc đời của bạn đều là do cách bạn đang cố gắng kiểm soát điều mình không thể kiểm soát được. Một phương pháp đơn giản để bạn có thể làm chủ bản thân gồm ba điều:

1. Ý thức rõ rằng bạn không thể kiểm soát bất kì điều gì bên ngoài bạn. Bạn chỉ có thể ảnh hưởng đến nó. 
2. Xác nhận điều bạn có thể kiểm soát được như suy nghĩ, thái độ, cảm xúc và hành vi của bạn.
3. Nhìn nhận điều bạn có thể ảnh hưởng và hồi đáp dựa trên những lựa chọn ở thế chủ động. 

Nên nhớ: Bạn không thể kiểm soát được điều diễn ra bên ngoài nếu bạn chưa kiểm soát được điều diễn ra bên trong mình. 

Phạm Thị Sen


0 bình luận :

Đăng nhận xét


THIEN-INNER-SPACE-TRISH-SUMMERFIELD-VIET-NAM