Tất cả những người khi tôi hỏi rằng cái gì làm cho họ hạnh phúc hay bất hạnh, thì ngay những người nghèo nhất cũng không nói nguyên nhân vật chất, mà đều nói về những cống hiến, những mối quan hệ với con người. Nền tảng để có quan hệ tốt đẹp chính là các giá trị. Trong khi đó, giá trị lại bắt nguồn từ bản thân con người.
(Phỏng vấn bà Trish Summerfield bởi Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải – tác giả cuốn sách “Phạm Xuân Ẩn – tên người như cuộc đời”)
Trish Summerfield – người phụ nữ New Zealand thường xuất hiện trên kênh truyền hình Việt Nam – VTV2 trong chương trình “Quà tặng cuộc sống” có thể được coi là một trong những người đầu tiên đem đến khái niệm về giá trị, kỹ năng sống. Chị đến đúng lúc nhiều người Việt nhận ra sự thiếu hụt phạm trù này trong việc giáo dục con người ở nước ta. Suốt hơn 12 năm, chị hết lòng giúp các trung tâm cai nghiện, các trường đại học, công ty kinh doanh, các lớp học trong “Chương trình giáo dục những giá trị sống”. Chị mắc “bệnh da vàng”, căn bệnh mà tướng Phạm Xuân Ẩn bảo giới báo chí phương Tây gọi những người “mê Việt Nam”.
Chị học về kinh doanh, nhưng đi theo công việc không có lương, phải đi dạy tiếng Anh để sống làm công việc thiện nguyện. Gần 13 năm đi xa, chị đem tới Việt Nam những chương trình gì về kỹ năng sống?
Tôi trình bày về tư duy tích cực, sức mạnh bình an nội tâm, sống không giận dữ, sống không căng thẳng, lãnh đạo từ bên trong, phương cách tự chủ, hàn gắn các mối quan hệ, thiền tâm trí Raja Yoga, và nhiều chuyên đề ngắn phục vụ thực tế.
Vậy mong ước và mục đích lớn nhất của chị khi làm những công việc này là gì?
Tôi muốn con người nhận ra được bản chất cao quý tốt đẹp nhất của họ là gì. Tôi biết rõ những rào cản nào gây tắc nghẽn khiến con người không thể hiện được bản thân mình, vì thế họ phóng chiếu ra bên ngoài, làm xã hội cũng bị nghẽn mạch. Tất cả những người khi tôi hỏi rằng cái gì làm cho họ hạnh phúc hay bất hạnh, thì ngay những người nghèo nhất cũng không nói nguyên nhân vật chất, mà đều nói về những cống hiến, những mối quan hệ với con người. Nền tảng để có quan hệ tốt đẹp chính là các giá trị. Trong khi đó, giá trị lại bắt nguồn từ bản thân con người. Họ chuyển ra xã hội thông qua hành vi, cách cư xử. Muốn xây dựng được xã hội tốt đẹp hơn, tôi đưa công cụ cho họ để có thể nhận ra con người thanh cao của mình, biết tiếp chạm vào bản thân họ.
Ngay cả những người độc ác, tha hóa rồi, họ có còn cái để tìm ra, tiếp chạm vào bản thân được không, thưa chị?
Tính chất cao quý chiếm những giá trị tốt đẹp nhất trong con người, tôi tin như vậy. Phải trao cho họ công cụ để họ biết cách nhận ra mình.
Đó là những công cụ gì, cách dùng thế nào?
Tôi trao cho họ cách suy ngẫm, nhận thức tính chất vốn có. Thế giới ngày nay thể hiện trên truyền thông thường hướng con người ta chỉ nhìn thấy những gì mình thiếu hụt: không đẹp, không thông minh, kém cỏi, rồi phải dùng cái gì, mua cái gì… Tức là toàn đập vào mắt người ta những suy nghĩ thiếu tự tôn như vậy ở mọi nơi. Công cụ đơn giản là làm cho họ tái khám phá kho báu trong con người. Có một chị học viên tính tình vui vẻ, thông minh, tử tế với mọi người, nhưng cứ cảm thấy tệ hại vì bị nhìn là thiếu tài năng, không giỏi giang, có ngoại hình quá khổ. Ngay khi sống tốt, chị ấy vẫn cứ bất mãn với mình.
Với một trường hợp như thế, công cụ mà chị trao cho người phụ nữ ấy là gì?
Tôi nói rõ để chị ấy hiểu là người ta nhận xét theo quan điểm riêng của họ, và lời nhận xét nào thì cũng đã trở thành quá khứ rồi. Khi chị nhận rõ những giá trị mình có, biết sử dụng nó, thì sẽ đỡ bị ảnh hưởng từ những lời nhận xét ấy. Tôi cũng thấy được đặc điểm của lối suy nghĩ phương Đông, rằng nếu có 20 người khen, chỉ một người chê, thì người ta lại chịu ảnh hưởng từ một người chê đó thôi, biến nó thành một màn bao phủ hết lên cuộc đời mình, phủ nhận bản thân.
Chị có thể gọi tên công cụ đó là gì cho dễ nhớ?
Đó là “tìm lại giá trị đích thực của mình”.
Chỉ đơn giản thế thôi mà có thể thắng được các tiêu cực của xã hội hiện đại ghê gớm hơn nhiều?
Câu trả lời là: “Chắc chắn”. Các cuộc cách mạng đều bắt đầu từ một thay đổi. Mọi vấn đề đều do nhận thức mà ra. Con người có ứng dụng được trong thực tế của chính họ hay không mới là điều quan trọng. Hành vi cư xử chỉ là cành nhánh của một gốc rễ. Thí dụ sản xuất mà không bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, có gốc rễ là sự tham lam lợi nhuận. Chính quyền đến phạt việc làm ô nhiễm môi trường chỉ là ức chế tạm thời hành vi. Người lớn phạt trẻ con cũng thế, trẻ sẽ bị ức chế, đè nén ở trong lòng. Toàn bộ nhận thức vẫn còn trong tim, trong mạch máu. Phải đi từ gốc rễ, từ nhận thức.
>>> Bạn có thể xem thêm bài viết "9 Cách đánh bật tiêu cực - Cô Trish Summerfield"
Đầu tiên phải cho họ giành lại nhận thức, suy nghĩ, định hình cảm xúc. Sau đó, họ được chọn những suy nghĩ có chất lượng cao hơn cho mình, dựa trên nền tảng thấu hiểu, nhận thức đúng về sự việc, con người. Bước thứ ba là từ suy nghĩ tốt đẹp, hiểu giá trị mình có, sẽ chi phối nhận thức và hành động của họ. Thí dụ trường hợp một phụ nữ khẳng định hạnh phúc dựa trên những thứ chị ấy có: mua được món đồ ưng ý, có công việc tốt, tập thể dục cho mình thon thả. Nhưng rồi chị ấy vẫn thấy không hạnh phúc được mãi. Đó là vì người phụ nữ ấy trông cậy vào những thứ tạm thời, ngoài tầm kiểm soát của mình. Sau đó, chị được học cách nhận thức tính chất của bản thân, con người độc đáo, cái bên trong là tài sản bất biến, không còn bị đe dọa, so sánh với người khác. Chị đã nhận ra rằng trước kia chị cố bám, cố sở hữu những điều tạm bợ, cố đặt tầm quan trọng, so sánh khập khiễng và mâu thuẫn. Đó là bước mấu chốt: Phải tự nhận thức mới có sự thay đổi.
Như vậy gốc rễ của xã hội phức tạp, ghê gớm này lại nằm ở trong tay mỗi người, và chỉ có họ mới biết cách trị được nó?
Đúng thế. Nếu bạn nghiên cứu kỹ bản đồ tư duy về ảnh hưởng của ý thức nội tâm và ảnh hưởng của bên ngoài, thì sẽ thấy, nếu dựa vào nhận dạng mình với bên ngoài sẽ rất bất an. Xã hội sẽ căng thẳng, bệnh tật gia tăng. Khoa học đã công bố 75% bệnh tật từ tâm mà ra. Nhìn xã hội phức tạp ghê gớm, nhưng gốc rễ tụ lại một nguyên nhân nằm trong tay mỗi người, có thể giải quyết được. Mọi người đều có thể làm một điều gì đó từ ý thức nội tâm, giá trị đức hạnh và chuyển ra xã hội bằng hành vi. Việt Nam đã có tấm gương trong chiến tranh có thể làm bất cứ thứ gì và người Việt mạnh như thế nào, không ai đánh bại được.
Cách học gắn với thiền, có khi nào bị hiểu lầm là tôn giáo không?
Cũng hay bị hiểu lầm như thế. Nhưng các môn học về giá trị sống không phải thuộc một tôn giáo hay trường phái nào, không thuộc một cá nhân hay quốc gia nào cả. Chúng tôi đã làm nghiên cứu trên nhiều dân tộc, với câu hỏi “Thế nào là một thế giới tốt đẹp?”, chúng tôi đều nhận được câu trả lời là các giá trị như tôn trọng, yêu thương, thấu hiểu, hòa bình…
Gần 13 năm tiếp xúc, “chữa trị” về tinh thần, chị thấy các bệnh tâm lý của người Việt Nam hiện đại có những vấn đề gì nghiêm trọng nhất?
Không riêng Việt Nam, mà người phương Đông, châu Á nói chung có thói quen không xử lý cảm xúc của mình, mà giữ trong lòng, đè nén khi phải đối mặt với thách thức, vì vậy họ dễ căng thẳng và trầm cảm. Trong khi người phương Tây lại quá thẳng thắn dễ làm người khác căng thẳng. Đè nén, thói quen bắt nguồn từ truyền thống ấy như kiểu ăn phải thuốc độc, lần đầu thì còn nôn ói, sau thì tích dần thành bệnh nặng. Cách được giáo dục phải cạnh tranh, so sánh với người khác, tâm trí con người ngày nào cũng phải “ăn” những thức ăn như đố kỵ, bất công, thù hằn… – những chất độc ấy khiến cho tâm trí, cơ thể mất quân bình, sinh nhiều bệnh tật thực thể. Căn bệnh này rất phổ biến ở Việt Nam, hệ quả là làm cho người ta mất ngủ, trầm cảm, làm việc thiếu hiệu quả.
Đó là căn bệnh toàn thế giới chứ?
Đúng rồi, và ngày càng tăng. Tôi không thống kê cũng biết, vì những đối tượng đặc thù đến tìm tôi ngày càng nhiều rõ rệt.
Còn những giá trị đặc thù của người Việt Nam, theo chị là gì?
Có nhiều điều tốt, nhưng đặc thù là dễ thương, cởi mở, đón nhận mọi điều. Chia sẻ, học hỏi, trao đổi, họ cũng biết rõ nhận thức, cảm xúc của mình, không phức tạp hóa vấn đề. Tôi chắc chắn bạn bè nước ngoài đến đây đều xúc động với cách cư xử của người Việt Nam. Giá trị của đất nước này chính là con người.
Họ đang có nhiều khó khăn, bức xúc. Đã sống lâu ở đây, vậy chị có thấy bức xúc như họ không?
Không có gì. Tôi thích Việt Nam lắm.
Kể cả chuyện dễ gặp hằng ngày là kẹt xe?
Tôi không bao giờ bực mình hay bối rối gì cả.
Chị nghĩ gì, làm gì khi mắc kẹt giữa dòng xe cộ khói bụi như thế?
Đó là lúc rảnh rỗi nhất tôi có thể nghĩ về sự sáng tạo của mình, tổng kết xem mình đã làm điều gì tốt, chưa tốt, có bài học gì. Và tôi kết thúc những suy nghĩ ở đó. Tôi thành một người mới, tỉnh táo, nhẹ nhàng, tươi tắn. Tôi không mang theo nó về nhà để bực bội, dằn vặt, mất ngủ, không trọn vai trò ở nhà.
Đúng chị là người của Thiền rồi. Chứ lúc đó không phát điên lên là may, lại còn “tổng kết” nữa thì mệt quá?
Những người mệt, rối ren, mất ngủ chính là do không biết tổng kết, cứ mang vác nó trong đầu, đem về nhà. Bạn nghĩ xem, không ngủ được, phí thời gian cỡ nào? Ở Mỹ, 32% người trưởng thành dùng thuốc ngủ. Tôi coi tổng kết trong ngày là một sự đầu tư. Ta đầu tư để thành một người mới khi về với gia đình, không mang con người công sở về đối xử với cả nhà. Còn hơn là đứng đó bực bội, hoặc lo công việc, nghĩ ở nhà ăn gì, con cái có ổn không, hy vọng về nhà là mọi thứ sẵn sàng… Để rồi nếu không như ý là thất vọng, cáu kỉnh. Ngay cả khi đang đi xe máy, tôi cũng coi đó là thời gian rảnh rỗi nhất…
Chị không sợ tai nạn sao?
Tai nạn là do phân tán, chểnh mảng suy nghĩ, không điều khiển một cách tỉnh táo, lo trễ giờ, suy nghĩ những bê bối, nhìn những người bên cạnh, khó chịu, phản ứng, đầu óc ở đâu đâu… mới bị tai nạn. Tôi nhận thức xung quanh nhưng tập trung vào việc mình đi xe, suy nghĩ vậy sẽ chậm và mạnh. Có người thắc mắc vậy tôi có bị phân tán không? Thật ra, suy nghĩ tích cực thì tập trung hơn, tầm nhìn rộng hơn, biết mình đang làm gì, do đó làm chủ tay lái hơn.
Thiền hay bị hiểu lầm là “thối lui, không nghĩ ngợi, hạ chuẩn xuống” như kiểu AQ, vậy có sợ bị căn bệnh vô cảm?
Thiền là cảm nhận trong sự tĩnh lặng. Đi vào sự trải nghiệm, không ở bề ngoài, mới có sức mạnh thực sự. Người tập thiền dồi dào năng lượng bên trong. Gốc của từ thiền có nghĩa là chữa lành. Nó kích hoạt cái thật, cái tích cực để chữa lành cho tâm trí, cơ thể. Người thiền tĩnh tại nhìn rõ bức tranh tổng thể tình huống và bức tranh cuộc đời họ. Tách ra nhìn mới thấy rõ, giống như lên máy bay nhìn xuống đất thấy mọi vật nhỏ bé đi. Người thiền không bị phức tạp hóa, không bị cuốn đi vào cuồng phong mới thấy không bị sợ hãi. Nhận thức hướng vào bên trong chứ không phải không suy nghĩ, để tự chủ điều khiển bản thân mình. Cảm nhận tố chất yêu thương, bình an, đầy đủ không trông mong và sẽ không thất vọng. Đầy đủ, không kỳ vọng mới dễ cho đi. Ly nước có đầy mới tràn ra được, chỉ có trạng thái đầy mới có thể đem cho. Mà cho, có nghĩa là biết quan tâm đó.
>> Đọc bài Xông Đất Tâm Hồn - Trish Summerfield <<
Xin được chuyển sang một chút về cá nhân chị. Đến với Việt Nam, chị tự thấy mình đã đạt được những thành tựu gì?
Tôi không dám nói nhiều. Có hơn 87 triệu người Việt Nam, nên đến với họ, tôi như hạt cát bỏ vào đại dương.
Chị có dự định viết ra các công trình nghiên cứu khoa học từ những trải nghiệm với người Việt Nam hay không?
Tôi đã xuất bản một số tác phẩm mang tính khoa học phục vụ thực tế như: Lăng kính tâm hồn, Tư duy tích cực, Giá trị sống cho người nghiện ma túy…
Không lấy chồng, sống xa đất nước đã gần 13 năm, chị không thấy nhớ nhà sao?
Chắc bạn biết lối sống độc lập của người phương Tây rồi. Tôi vẫn trò chuyện với mẹ, anh chị qua phương tiện internet. Đôi khi ở xa giúp chúng tôi lắng nghe nhau thực sự. Mỗi lần trò chuyện là tối đa ý nghĩa, lợi ích của sự gặp gỡ. Chúng tôi nhìn nhau thấy nhiều điều tốt đẹp. Gia đình tôi cũng đã vài lần sang Việt Nam. Mẹ tôi rất trân trọng những gì tôi đã làm cho cộng đồng.
Chị ăn chay trường, do ý thích cá nhân hay chương trình học giá trị sống bắt buộc?
Đó là ý thích và lối sống cá nhân, chương trình không bắt buộc. Tôi sinh ra ở nông trại, có nhiều động vật. Tôi yêu thương chúng từ khi tôi còn rất bé. Hằng ngày quan sát, chơi đùa với chúng, tôi thấy từ cơ thể và cảm xúc, chúng giống mình. Khi chúng bị thương, tôi rất thương xót, càng không chịu nổi khi người ta giết thịt chúng để ăn. Ngay khi 16 tuổi, tôi đã nói với cha mẹ nguyện vọng là sẽ không bao giờ ăn thịt chúng, và cha mẹ tôi cho phép. Tôi ăn chay từ đó. Sau này tôi biết thêm lợi ích của ăn chay từ nhiều tài liệu. Cấu trúc cơ thể, hàm răng người để nhai chứ không để xé, ruột nhỏ dài để tiêu hóa nhanh rau quả. Ăn thịt động vật mất nhiều thời gian tiêu hóa hơn, chất độc chất thải ở lại trong ruột lâu hơn, dễ thành bệnh. Tôi yên tâm với lựa chọn của mình. Ban đầu là do tuổi nhỏ có tình thương động vật, rồi quen đi với cảm giác không cần nữa, tôi ăn chay như một việc tự nhiên.
Chị cảm thấy sức khỏe tốt chứ?
Tôi thấy bình thường, dễ chịu, ăn chay hỗ trợ nhiều cho sức khỏe, thon thả, dẻo dai. Bạn thấy những con vật mạnh nhất, đi trường kỳ nhất, voi, ngựa, trâu, chúng đều ăn cỏ. Con cọp ăn thịt, tuy là mãnh thú thật đấy, nhưng độ dẻo dai kém. Nó thường nằm ngủ nhiều hơn. Còn ngày nay, ai cũng biết ăn chay còn có lợi ích cho môi trường nữa. Liên Hiệp Quốc cũng đưa ra nghiên cứu, công nghệ sản xuất thịt là nguyên nhân thứ hai trong việc làm nóng Trái đất. Ăn chay là món quà tặng cho môi trường. Con người nhận nhiều của thế giới, phải làm những điều nhỏ nhoi đóng góp trở lại cho thế giới. Chương trình giá trị sống cũng là một đóng góp làm cho xã hội tốt đẹp lên, thế giới ta sống tốt đẹp lên.. Tuy ăn chay, nhưng tôi không bao giờ thúc ép ai ăn chay như mình. Mỗi người có mục đích, mục tiêu riêng.
Phụ giúp cho chị trong chương trình này là rất nhiều bạn trẻ làm thiện nguyện, việc này có giống như người tu hành không?
Không phải tu hành, mà là họ theo đuổi, tận hiến cho điều tốt đẹp của cộng đồng. Những tình nguyện viên như vậy có trên toàn thế giới, vì chương trình là của toàn cầu. Họ học xong, nhận thấy có lợi ích, ý nghĩa, thay đổi cuộc đời nên muốn giúp người khác. Ở Việt Nam, tôi cũng được các tình nguyện viên hỗ trợ. Họ phải đi làm, dạy tiếng Anh, biên dịch tài liệu để có lương ăn, rồi làm việc thiện nguyện, đóng góp tài năng, thời gian của mình cho cộng đồng.
Nếu nói về người Việt Nam với những nơi chị sẽ đến sau này, chị sẽ nói điều gì?
Cách nay hai tuần tôi đến Indonesia. Họ vẫn hỏi về cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng tôi nói về những gì tôi nhận được: sự thoải mái, dễ chịu, đi đâu xa về đến sân bay là thấy như về nhà, gần gũi thân thương. Con người ở đây rất độc đáo và đa dạng, dễ cười, dễ bắt chuyện. Không phải người xứ nào cũng vậy đâu. Ngoài những điều quốc tế đã biết như sự cởi mở, hiếu khách, tôi thấy người Việt thích nghi tốt, biết chấp nhận ngay cả những người làm họ tổn thương. Tôi còn kể về sự linh hoạt của người Việt trên đường phố. Hành vi được thể hiện rất rõ bằng luồng xe như dòng chảy. Những nước khác to, rộng cũng vẫn không thoát kẹt xe, tắc nghẽn, tai nạn, và họ phẫn nộ, la lối. Người Việt thì cứ xuôi dòng, có đường là đi, độc đáo và linh hoạt.
Do họ phải chấp nhận quá lâu đó thôi, họ còn cách nào khác đâu!
Cũng có thể đó là tính bền bỉ.
Xin cảm ơn chị về những tình cảm tốt đẹp và công việc hữu ích của chị vì tình yêu con người.
Cô Trish Summerfield đang hướng dẫn học viên xây dựng mục tiêu 2018 |
0 bình luận :
Đăng nhận xét