Giải phẫu những nỗi đau
Chẩn đoán
1. “Yêu mà không được đáp lại”
Chúng ta cùng xem xét nhé. Nếu tôi chăm sóc một người và
mong người ấy trở nên gần gũi hơn với mình, thì rốt cuộc tôi đã cho đi được gì?
Hay tôi chỉ đang trao đổi? Tôi đổi sự chăm sóc của mình lấy sự gần gũi của người
khác.
Như vậy, yêu và mong được đáp lại, về thật chất, chỉ là một cuộc trao đổi.
Chứ không phải tình yêu thương. Nếu người ấy đáp ứng lòng mong mỏi của tôi, tôi
vẫn còn cảm thấy dễ chịu. Nhưng khi người ấy không đáp lại, tôi cảm nhận đau khổ.
Đau khổ sinh ra do cuộc trao đổi bất thành, chứ không phải do tình yêu thương đích
thực.
Tương tự như tạp chất pha vào nước khiến nước mất đi độ
trong suốt nguyên thủy, kỳ vọng được trộn lẫn vào tình yêu thương cũng khiến
cho tình yêu thương bị biến chất.
Nhưng do đâu mà chúng ta lại có kỳ vọng? Hãy cảm nhận nhé!
Khi bạn đầy đủ, trọn vẹn, bạn có còn mong muốn thêm điều gì nữa không? Hẳn
nhiên là không. Khi ta kỳ vọng là khi bên trong ta thiếu thốn.
Như vậy, ở sâu bên dưới triệu chứng “yêu mà không được đáp lại”,
sự thiếu thốn từ bên trong mới chính là nguyên nhân.
2.
Mất mát trong tình yêu
Một ngày, người luôn khiến ta hạnh phúc, luôn thấu hiểu và
nâng đỡ ta, qua đời hoặc đi đâu đó rất xa, ta cảm nhận đau khổ. Khi phân tích
thật kĩ, ta sẽ nhận ra rằng mình đã pha trộn “phụ thuộc” vào yêu thương, làm biến
dạng tình yêu thương. Nguồn gốc của nỗi đau cảm thấy mất mát trong tình yêu
chính là: phụ thuộc.
Khi nào thì chúng ta phụ thuộc? Khi chúng ta yếu đuối, cần sự
nâng đỡ. Ở cái tầng sâu hơn bên dưới sự phụ thuộc, chính là sự yếu đuối từ bên
trong.
3.
Không biết thể hiện hoặc không thể bày
tỏ tình yêu
Đó là khi ta cảm thấy nói lời ngọt ngào, có cử chỉ yêu thương
với ai đó, ngay cả với người thân cũng thật khó khăn. Lắm lúc trong lòng ta muốn
tốt cho người khác, nhưng khi ta nói và hành động, thì người khác không hiểu được,
thậm chí còn bị tổn thương. Dần dần, ta bắt đầu thu mình lại và càng mất niềm
tin rằng ai đó sẽ hiểu mình.
Nguyên nhân chủ yếu của triệu chứng này chính là: quên đi bản
chất yêu thương đích thực của mình. Khi ta còn bé, một cách tự nhiên, ta lan toả
tình yêu thương. Nhưng rồi nhiều sự việc đã xảy ra, chồng lấp và che phủ lên bản
chất ấy. Những lớp che phủ dày đến mức ta quên rằng bản chất đích thực của mình
là yêu thương, tức là ta đương nhiên biết và có thể trao đi tình yêu một cách tự
động.
4. Không ai yêu tôi
hoặc tôi không xứng đáng được yêu thương
Khi rơi vào trường hợp này, vẻ ngoài của ta tiều tuỵ, tính cách trở nên nhút
nhát, tự cô lập, hành vi thường lúng túng. Đó là kết quả của nhiều tổn thương
tích tụ.
Ở chiều sâu của những tổn thương, đó là do ta lầm tưởng mình
phải tìm tình yêu thương từ người khác mà không biết tình yêu thương ở bên
trong mình. Ta không biết một tình yêu thương chính xác là tình yêu thương từ
bên trong lan toả ra ngoài. Vì vậy ta dần mặc cảm do nhận định của người khác,
dần chán ghét chính mình do hành vi của người khác.
5. Tôi không yêu ai
hoặc chả cần tình yêu thương
Ta có thể mang nét mặt cau có, lạnh lùng, lời nói có thể tàn
nhẫn, cay đắng, hành động có thể phũ phàng. Ta chối từ người khác, luôn chú trọng
vào khuyết điểm ở ngay cả những người vốn nhiều ưu điểm và không thích giao tiếp.
Thậm chí khi có ai đó tử tế với mình, mình cũng không hề nhận ra.
Đó chỉ là bề nổi. Về bản chất, ta tự nhiên yêu thương người khác và được người
khác yêu thương. Thế nhưng, trong quá trình sống, nhiều sự việc xảy ra và ta
không hề hiểu căn nguyên của mọi vấn đề, ta học được rằng làm người khác hài
lòng và được yêu thương thì rất khó, thậm chí là không thể. Ta tự mặc cho mình
bộ áo giáp của cau có, lạnh lùng chỉ là để không còn tổn thương nữa. Ký ức hệt
những lớp đất đá bao phủ bên ngoài viên ngọc quý của tình yêu thương.
Như vậy, nguyên nhân chính khiến ta rơi vào tình trạng này cũng
chính là sự thiếu thốn tình yêu thương.
Ta đã cùng nhau phân tích những nguyên nhân của các nỗi đau.
Đó là do năng lượng yêu thương bên trong ta thiếu hoặc yếu, ta quên đi bản chất
đích thực của mình và lầm tưởng tình yêu thương ở bên ngoài. Giờ là lúc ta điều
trị những nỗi đau ấy.
Điều trị
Theo nguyên tắc “từ trong ra ngoài”, chúng ta cần làm đầy và
làm mạnh tình yêu thương ngay từ bên trong mình. Khi đó, nguồn năng lượng yêu
thương sẽ lại tuôn trào, cuốn trôi đi những triệu chứng của đau khổ. Tràn đầy
từ bên trong, ta không còn bị tác động bởi ngoại cảnh và dễ dàng thông cảm,
nâng đỡ, hài hòa với người khác.
Tất cả chúng ta đều biết cơ thể cần thức ăn và sự nghỉ ngơi.
Chỉ là chúng ta tạm thời quên đi tâm trí cũng cần thức ăn lành mạnh là suy nghĩ
tích cực và sự yên tĩnh để thư giãn. Bạn có thể nuôi dưỡng tâm trí bằng cách thường
xuyên đọc sách, báo, những bài viết về các giá trị.
Bạn cũng có thể tự viết ra
những nghiền ngẫm của mình về một giá trị nào đó, chẳng hạn như bình an, yêu thương,
hạnh phúc, khoan dung, tôn trọng, trung thực… Những khoảng thời gian lúc kẹt
xe, chờ đèn đỏ, làm việc nhà,…, bạn có thể tận dụng để suy nghĩ hoặc thả lỏng
mình trong cảm nhận về một giá trị tích cực như vừa nêu trên (theo gợi ý của cô
Maureen – tình nguyện viên quốc tế của trung tâm Innerspace).
Vào ba thời điểm trong mỗi ngày: buổi sáng khi vừa thức dậy, buổi trưa trước khi bắt đầu công việc của nửa
ngày còn lại và trước khi đi ngủ, chúng ta tự chăm sóc mình, làm đầy mình bằng
cách cảm nhận một giá trị, chẳng hạn như thế này… (nghĩ thật chậm và quan sát cảm
nhận)
Tôi chọn một góc yên
tĩnh, ngồi thư giãn trong im lặng, tôi hít thở thật sâu và nhẹ nhàng. Bụng
phồng ra khi hít vào và hóp lại khi thở ra. Tôi co giãn nhẹ nhàng những ngón
tay, những ngón chân, thả lỏng đôi vai, lưng, cổ, cơ mặt và cả ánh mắt… Tôi cảm
nhận cơ thể tôi dần trở nên thư thái và nét mặt cũng thanh thản hơn… Từ bao lâu
nay, đôi bàn tay đã giúp tôi làm được biết bao điều. Cám ơn bạn, bàn tay… Cám
ơn đôi chân đã đưa tôi đi khắp nơi… Cám ơn đôi mắt đã giúp tôi nhìn mọi thứ…
Cám ơn tâm trí giúp tôi suy nghĩ, rung động và làm mọi việc… Tôi cảm thấy yêu
thương cơ thể và tâm trí mình, tôi cảm thấy yêu thương chính bản thân mình,
thấu hiểu những thiệt thòi, những mệt mỏi mà tôi phải chịu, trân trọng những nỗ lực mà tôi
đang có… Tình yêu thương bên trong tôi cứ lớn dần… lớn dần… tuôn chảy khắp tâm
hồn tôi… Tình yêu thương là cái đã có và đang có bên trong tôi… Tôi thấy mình
đầy đủ, không còn cần được ai đó chấp nhận, không còn phụ thuộc vào ai… Tình
yêu thương trong tôi tràn trề đến mức thấm qua ánh mắt, lời nói, gương mặt và
hành động… Tôi tự động trao tình yêu thương cho tất cả mọi người. Và tôi cũng
xứng đáng được người khác yêu thương một cách nhiên…
(Bạn có thể tự viết ra những đoạn suy ngẫm như thế này)
Trước hết, hãy làm mạnh và làm đầy tình yêu thương bên trong,
rồi bạn sẽ có những lời nói và hành động tốt đẹp. Đến lượt mình, những lời nói
và hành động tử tế dù nhỏ bé ấy cũng sẽ góp phần củng cố thêm sức mạnh của tình
yêu thương nội tâm. Tình yêu thương là một kho báu đặc biệt. Kho báu vật chất
càng cho sẽ càng vơi. Nhưng kho báu tình yêu thương càng trao sẽ càng đầy ăm
ắp.
Vì vậy, bạn hãy tận dụng mọi cơ hội để trao đi, chẳng hạn như mỉm cười,
nhường đường cho ai đó, cầm giúp người khác vật nặng… Những giao tiếp gián tiếp
qua điện thoại, facebook, email… cũng là dịp để bạn gia tăng kho báu yêu thương
bằng những lời nói lễ độ và đầy tính nâng đỡ.
Giúp người khác tiến bộ mà không gây nên bất kì tổn
thương nào
Ở phần này, chúng ta sẽ bàn sâu về một trong những biểu hiện
quan trọng của yêu thương đích thực: giúp người khác tiến bộ mà không gây nên bất
kì tổn thương nào.
Nhiều người trong chúng ta vẫn nghĩ rằng đôi khi phải chỉ ra
cái sai của người khác một cách thẳng thừng, đôi khi phải trừng phạt để giúp người
khác tiến bộ. Nhưng tình yêu đích thực quý như vàng ròng, vàng mười. Nếu ta pha
tạp chất vào vàng sẽ tạo ra vàng giả, không giá trị. Tương tự, tình yêu thương
sẽ mất đi vẻ đẹp cùng sức mạnh nếu ta pha vào đó sự gay gắt hay trừng phạt.
Năm 2010, báo Tuổi Trẻ từng đăng loạt bài “Đứa trẻ cần được
tha thứ” từ câu chuyện có thật về một người đàn ông 42 tuổi và hành trình đi khắp
nơi, cả trong lẫn ngoài nước để chữa trị tổn thương tinh thần cho chính mình do
đòn roi trong tuổi thơ. Báo Mực Tím từng đoạt giải báo chí năm 2011 với loạt
bài “Roi mây thời hiện đại”, trong đó có nhắc đến những lời mắng, những trừng
phạt tinh thần của cha mẹ đôi khi còn gây ra đau khổ nhiều hơn cả đánh đòn.
Có một thực tế rằng không ít người thừa nhận mình thành đạt
nhờ sự trừng phạt nghiêm khắc của cha mẹ, thầy cô và luôn biết ơn. Nhưng chúng
ta không thể nhìn những trường hợp cụ thể này và xem nhẹ tác hại của sự trừng
phạt. Chúng ta cùng nhìn vấn đề này rộng hơn một chút thôi. Khi cảm thấy mình
thành đạt nhờ sự trừng phạt, chúng ta có thể lại áp dụng trừng phạt với người
khác và với chính mình theo nhiều cách khác nhau; đôi khi ta áp dụng có ý thức,
đôi khi lại vô thức.
Trong các mối quan hệ vợ chồng, bạn bè, đồng nghiệp, chúng
ta cũng từng “trừng phạt” nhau bằng nhiều cách. Chẳng hạn chúng ta bất hợp tác,
từ chối gặp gỡ, không nói chuyện… Tất cả những “trừng phạt” tinh tế này ít nhiều
làm người khác tổn thương mà chính bản thân mình cũng không hạnh phúc. Bản thân
tôi cũng từng trừng phạt người khác theo cách này mà không hề biết.
Các nhà khoa học thế giới từng nghiên cứu về “Hội chứng sợ
thử cái mới”. Theo đó, chính sự trừng phạt, theo thời gian, dần dần đặt ra giới
hạn về cái sai và đúng. Vì sợ sai mà con người tự hạn chế khả năng của mình. Người
ta thống kê rằng: Trước một sự việc, người lớn chỉ nghĩ được tối đa 4 giải
pháp. Trong khi trẻ con nghĩ ra đến khoảng 80 giải pháp!
Nhiều cha mẹ Việt Nam thường mắng, thậm chí đánh đòn khi con
lỡ làm rơi hay làm vỡ một vật gì đó. Sau đây là câu chuyện có thật đáng để
chúng ta suy ngẫm. Có một nhà khoa học thành đạt đã kể về kỷ niệm tuổi thơ giúp
ông không sợ thất bại mà luôn say mê khám phá.
Khi ông còn nhỏ, một lần, ông thử
bê bình sữa trong tủ ra và làm rơi nó xuống sàn. Cả gian bếp ngập trong sữa.
Lúc ấy, mẹ ông xuất hiện và bà vui vẻ bảo: “Nào, bây giờ chúng ta sẽ thử khám
phá xem những cách nào để cầm một cái bình mà không bị đổ”. (câu chuyện này do
cô Trish Summerfield kể).
Gần đây, cảm thấy mình làm sai, tôi đã viết thư cho một giáo
viên ở Innerspace và sẵn sàng nhận hình phạt. Cô ấy gửi cho tôi một chương sách
về nguồn gốc của cảm giác có lỗi, sự thật là chỉ có những mức độ chuẩn xác hay
không so với bản chất đích thực và cách để vượt qua cảm giác có lỗi ấy.
Chúng ta thấy đó, vẫn có cách để giúp người khác tiến bộ mà
không hề gây ra bất kì tổn thương nào. Vậy
sao chúng ta không thử?
Có 1 nguyên tắc cần suy ngẫm. Đó là hai lần phi bạo lực. Phi
bạo lực với chính mình và người khác. Phi bạo lực cả bên ngoài (lời nói, hành
động) lẫn bên trong. Đôi khi chúng ta không có hành động xô xát, thô bạo, nhưng
nếu ta có lời nói khiến người khác cảm thấy tệ hại về mình thì đó là bạo lực
qua lời nói. Thậm chí nếu ta nghĩ ai đó “hết thuốc chữa” cũng là một cách bạo
lực trong suy nghĩ.
Khi nội tâm tràn ngập tình yêu thương, khi hoàn toàn phi bạo
lực với bản thân, chúng ta dễ dàng hỗ trợ người khác tiến bộ hơn mà không gây
ra bất kì tổn thương nào. Cách để khơi lại nguồn mạch yêu thương nội tâm thì
chúng ta vừa bàn ở trên.
Nếu bạn đã từng trừng phạt ai đó bằng cách dễ nhận ra hoặc
bằng cách tinh tế, thì hãy cứ xem đó là bài học. Tất cả chúng ta đều từng không
hề biết gì về nguyên tắc hai lần phi bạo lực. Giờ chúng ta đã biết. Và cơ hội để
làm tốt hơn vẫn đang nằm trong tay ta. Trước hết, ta có thể thực tập giúp đỡ
chính mình trở nên chín chắn hơn mà không gây bất kì tổn thương nào, sau đó sẽ
áp dụng cho người khác.
Tóm lại, tình yêu thương đích thực không hề gây đau khổ và
là bản chất của ta. Khi tự làm đầy mình với bản chất yêu thương, ta sẽ luôn đem
đến lợi ích cho người khác, giúp người khác tiến bộ mà không gây tổn thương
nào, dù nhỏ. Và ta tự động được yêu thương bởi mọi người.
0 bình luận :
Đăng nhận xét