Inner Space Việt Nam, trực thuộc Hội Khoa Học Tâm Lý Giáo Dục TP. HCM và có mặt tại Việt Nam hơn 25 năm, là một trung tâm hoạt động vì cộng đồng chuyên về lĩnh vực sức khỏe tinh thần. Website: InnerSpace.vn | Hotline: 0379996867

Inner Space Việt Nam - Trực thuộc Hội Khoa Học Tâm Lý Giáo Dục TP. HCM số 10/QĐ-HKHTLGD

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Sống không stress


Bạn đọc thật nhanh và trả lời cho câu đố sau. Chắc chắn bạn sẽ nhận được phần thưởng với câu trả lời đúng.

Có những quả chuối trên một cây dừa cao. Con khỉ, con sóc, con hươu cao cổ và con gà – con nào hái được những quả chuối?


Những học viên ở lớp học Sống không stress tại trung tâm Inner Space thường trả lời rất nhanh là con khỉ vì theo họ con khỉ thích ăn chuối và lại nhanh nhẹn. Câu trả lời của bạn là gì?

Có vẻ chúng ta đang sống vội vã hơn, muốn có được nhiều thứ hơn. Ngôn ngữ phổ biến ở công sở, trong trường học, ngoài đường phố và thậm chí ở những đứa trẻ non nớt vẫn là: ‘tôi bận lắm’. Rõ ràng chúng ta đang trong tình trạng không đủ thời gian cho nghỉ ngơi vì hầu như lúc nào tâm trí chúng ta cũng bận rộn với quá nhiều suy nghĩ, do đó thiếu tập trung, có cảm giác bất ổn và mất dần khả năng sống hòa thuận, hạnh phúc. Sau đó chúng ta đổ thừa và trách cứ hoàn cảnh hay người khác vì đã không thấu hiểu những vấn đề mà chúng ta đang phải chịu đựng.

Khi cảm thấy stress, hầu như mọi người đều nghĩ đến thay đổi hoàn cảnh bên ngoài mà theo họ là nguyên nhân gây ra khó chịu cho họ như đi nghỉ mát, uống rượu, mua sắm, thay đổi công việc, mối quan hệ, đi spa, giải trí hoặc làm việc nhiều hơn, đạt được nhiều thứ hơn… Khi những thay đổi này suông sẻ, chúng ta cũng giải tỏa sự nặng nề của mình một phần nào.

Nhìn vào công thức:          Stress = Áp lực/nội lực


Stress là nhận thức của chúng ta về mức độ áp lực (mối nguy) lớn hơn khả năng hồi đáp (sức mạnh nội tâm) của mình. Vấn đề không nằm ở sự việc bên ngoài hay người khác, mà ở sức mạnh nội tâm. Khi tôi mạnh mẽ và đứng thế chủ động, thì không điều gì có thể là áp lực đối với tôi. Cách nhìn nhận sự việc tiêu cực và vội vã luôn là nguyên nhân dẫn đến lo sợ. Khoa học đã chỉ ra rằng bộ não con người được tạo thành bởi 3 phần khác nhau:

* Não cảm xúc có vai trò phân tích trạng thái cảm xúc. Nó hoạt động như một tổng đài điện thoại, tiếp nhận dữ liệu từ tâm trí và phân loại. Nếu dữ liệu được nó nhận diện là nguy cơ, nó sẽ chặn đường vào não tư duy và chuyển nhanh sang não bò sát để hành động. Nếu dữ liệu được nó nhận diện là cơ hội, nó sẽ truyền sang não tư duy để có chiến thuật hành động khách quan.

* Não bò sát với bản năng ‘chiến đấu’ hay ‘bỏ chạy’. Với thông điệp là “nguy cơ” được báo từ não cảm xúc, mọi nguồn lực từ bên trong cơ thể được huy động: Suy nghĩ nhanh, tim đập nhanh để bơm máu khắp cơ thể, huyết áp tăng, hơi thở dồn dập và các cơ căng lên để có thể chuyển động nhanh, hiệu quả trong việc sống còn.

* Não tư duy có khả năng tư duy logic, sáng tạo, khách quan và thấu hiểu…

Trong nguy hiểm, ai cũng đều tìm cách sống sót. Đó là bản năng như mối nguy chết đuối. Nạn nhân cảm thấy hoảng loạn đến quên cả ý thức thông thường về sự sáng suốt mà chỉ hành động phản xạ mang tính bản năng để sống sót. Đó là một chiến thuật tốt nhất để cứu mạng mình.

Nhưng trên thực tế các nguy cơ hầu như chỉ mang tính tưởng tượng, ví dụ cảm thấy lo lắng khi bị muộn giờ, bực bội khi bị kẹt xe, lo sợ không hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn, lo con cái bị hư hỏng, lo nghèo đói… Nguồn năng lượng này bị ứ đọng trong cơ thể, dẫn đến nhiều bệnh về thể lý và tinh thần như đau đầu, huyết áp cao, tim đập nhanh và có cảm giác hồi hộp, dễ bực bội, cáu gắt, hay chỉ trích, hoảng sợ dẫn đến rối loạn tiêu hóa và loét dạ dày….

Stress là một phản xạ của cơ chế sợ hãi, bắt nguồn từ trong tâm trí. Quản lí stress thường đơn giản là thay đổi cách suy nghĩ của mình.
Thủ thuật W.W.W (CHỜ, QUAN SÁT, KHÔN NGOAN) cho não cảm xúc một cảm nhận an toàn để kích hoạt phản hồi từ não tư duy. Chờ nghĩa là chúng ta không cần phải đưa mình vào áp lực của thời gian. Phản ứng vội có thể giải quyết được vấn đề, nhưng chúng ta có thể làm tổn thương đến cảm xúc của người khác và có thể gây ra rắc rối hơn. Do vậy, suy nghĩ kỹ và hành động sẽ luôn là cách an toàn. Quan sát cho bạn thế đứng khách quan để có thể điều chỉnh cách phản hồi của mình tốt hơn. Thủ thuật này tạo khoảng cách vừa đủ để ta nhận thức rõ ràng hơn về những giá trị cốt lõi của mình. Ta nhận dạng rõ những nhân tố ảnh hưởng đến trạng thái tâm trí của mình.

Với thủ thuật www này bạn sẽ tư duy logic cho câu đố trên là: cây dừa thì không thể nào có quả chuối và vì thế không con vật nào có thể hái được.

Phạm Thị Sen
(Đã được đăng trên báo KHOA HỌC VÀ SỨC KHỎE số 323 ra ngày 12/4/2013)


0 bình luận :

Đăng nhận xét


THIEN-INNER-SPACE-TRISH-SUMMERFIELD-VIET-NAM